Nửa đêm về sáng, mất ngủ, đau đầu, buồn nôn điên đảo, thân thể rệu rã tưởng chừng như không còn chút sức lực nào! Ôi không biết có mệnh hệ gì không đây?! Chỉ một cảm giác lúc ấy là “sợ chết”. Tức tốc gửi con nhờ chủ nhà trông hộ, hai vợ chồng vác nhau chạy vào bệnh viện cấp cứu!
1.      Muốn nhanh thì phải từ từ
Vác xác được tới phòng cấp cứu, người ta cũng đo huyết áp, lấy máu xét nghiệm “như thật”. Lấy xong đâu đấy, bệnh nhân và người nhà ngồi chờ. Chờ mãi không thấy ai gọi hay báo kết quả, nằm xuống ghế đợi tiếp. Ba tiếng sau vẫn chẳng thấy ai ngó ngàng, bệnh nhân thấy trong người đỡ đỡ thế là hai vợ chồng lại vác nhau về nhà nằm cho đỡ khổ!
Hôm sau bệnh nhân đành chạy đến bác sỹ đa khoa (GP) để khám. Bà bác sỹ xét một hồi và kết luận “cô bị đau ruột thừa rồi và cần phải vào cấp cứu để mổ sớm”! Có cái giấy của GP mang vào viện, bệnh viện lại khám xét và thử máu lại, sau đó cho nhập viện để mổ khá nhanh chóng.
Có đi cấp cứu ở Úc thì mới thấy thông cảm cho bác sỹ ở Việt Nam. Trong lúc người thân nguy cấp thì ai cũng sẽ thiếu bình tĩnh, yêu cầu không được đáp ứng sẽ lập tức nổi nóng làm om xòm, thậm chí tấn công bác sỹ như nhiều chuyện đã xảy ra. Còn ở Úc đây thì biết nổi nóng với ai cho dù nằm đợi cả mấy tiếng như vậy?! Lúc bệnh nhân đã yên vị trong phòng bệnh chờ mổ rồi mới nói chuyện với một bệnh nhân cùng phòng thì được biết cô ấy vào cấp cứu từ 2h chiều nhưng 10h tối mới được nhập viện.
2.      Dịch vụ toàn diện
Tuy phần nhập viện “trắc trở” như vậy, nhưng đoạn dịch vụ từ đó trở đi thì bệnh nhân không có gì phải phàn nàn. Đã nhập viện cấp cứu thì kể từ đó bệnh nhân di chuyển phải dùng xe lăn có nhân viên y tế đẩy và bệnh viện sẽ lo toàn bộ việc chăm sóc bệnh nhân mà không cần sự trợ giúp của người nhà. Vì vậy, chỉ có bệnh nhân ở viện và người nhà chỉ được vào thăm giới hạn trong những khung giờ nhất định.
1
Phòng bệnh nhân
3.      Bác sỹ và y tá vô cùng thân thiện
Các cô y tá cho bệnh nhân cảm giác như đang sống ở nhà vậy. Các cô nói năng dịu dàng, thân ái và sẵn sàng trợ giúp bệnh nhân cả những việc không liên quan như đi mượn hộ sạc điện thoại. Mỗi lần phải đo đạc hay lấy mẫu, các cô đều giải thích nhẹ nhàng đầy đủ những việc sẽ làm và hỏi bệnh nhân có đồng ý không, đồng thời trấn an bệnh nhân. Các bác sỹ cũng nhẹ nhàng như thế, một hai tiếng lại hỏi bệnh nhân những câu giống hệt nhau để bệnh nhân trình bày những nội dung giống hệt nhau. Từ khi nhập viện tới lúc mổ bệnh nhân được hỏi và trả lời tổng cộng tám lần như vậy.
Nhớ có lần người nhà nằm ở khoa dịch vụ Bệnh viện Chợ Rẫy, y tá và bác sỹ cũng thân thiện y hệt như cái bệnh viện ở Melbourne này.
Hồi ở Việt Nam có lần đi viện bệnh nhân thấy buồn cười và khó chịu khi bác sỹ hỏi đi hỏi lại. Nhưng giờ bệnh nhân đã hiểu đó là cách để bác sỹ khẳng định được tình trạng chính xác của bệnh nhân. Càng đi càng thấy thông cảm hơn cho các bác sỹ ở Việt Nam!
Ghi chú: Đây là câu chuyện có thật của một người bạn

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN