ĐẾN KRAKOW – NHỚ THĂNG LONG

0
1005
Lâu đài Wawel Castle
Lâu đài Wawel Castle

“Cracow” – Cờ-ra-cao là cách người viết gọi tên thành phố này trước khi ghé thăm lần đầu tiên. Tới nơi rồi mới thấy “giận” mấy ông phiên tên thành phố sang tiếng Anh ghê! Người ta là Krakow- Cờ-ra-cốp theo cách đọc của người Ba Lan cơ mà! Cũng như Warszawa – Vác-xa-va theo cách đọc ở Ba Lan thì mấy ông phiên sang tiếng Anh thành Warsaw (Guac-so). Nghe mấy ông là nhiều khi đứng chân trên chính địa danh mà không biết!

Vương cung thánh đường St. Mary
Vương cung thánh đường St. Mary

“Thành phố Hoàng gia Krakow” là thủ đô của Ba Lan trong gần 500 năm cho tới năm 1596. Đây cũng là “thành phố của trường đại học và nhà thờ.”Nơi đây có một trong những trường đại học cổ nhất thế giới – Đại học Jagiellonian ở ngay trung tâm phố cổ, và trước đại dịch Covid-19, số lượng sinh viên hơn 200.000 chiếm tới 25% dân số thành phố. Bên cạnh đại học là nhà thờ khắp nơi. Trên nền của những dãy nhà thấp, nổi bật lên tháp cao lộng lẫy của Vương cung thánh đường St. Marry ở khu quảng trường chợ trung tâm phố cổ, của nhà thờ chính tòa trong lâu đài Wawel (Va-ven) trên đồi, hay tháp đôi nhà thờ kiến trúc mộc thời trung cổ St. Andrew trong tổng số 120 nhà thờ trên toàn thành phố. Krakow cũng là nơi Giáo Hoàng John Paul II từng làm Tổng Giám mục.

Đại học Jagiellonia
Đại học Jagiellonia
Collegium Maius - Nhà hiệu bộ -Đại học Jagiellonia
Collegium Maius – Nhà hiệu bộ -Đại học Jagiellonia

Cũng giống như Thăng Long của Việt Nam, Krakow đã từng ba lần bị quân Nguyên Mông (Mongol) càn quét và đốt phá vào thế kỷ 13 (các năm 1241, 1259 và 1287, sớm hơn một chút so với các cuộc tấn công Thăng Long vào các năm 1258, 1285 và 1287). Cứ mỗi lần bị đốt phá, Krakow lại được xây dựng lại như nguyên bản, và tới lần tấn công thứ ba thì họ đã có kinh nghiệm và kháng chiến thành công. Nhà thờ St. Andrew chính là công trình duy nhất còn sót lại sau đợt tấn công năm 1241 và trường tồn tới tận ngày nay.

Nhà thờ St. Andrew
Nhà thờ St. Andrew
Nhà thờ St. Peter và St. Paul + Nhà thờ St. Andrew
Nhà thờ St. Peter và St. Paul + Nhà thờ St. Andrew

Tới thế kỷ 20, các học giả mới nói về toàn cầu hóa, tới thế kỷ 21 mới nói về “nhân bản” các mô hình kinh doanh từ quốc gia này sang một quốc gia khác. Nhưng đi từ Thăng Long tới Krakow mới thấy, rõ ràng đế chế Nguyên Mông mới là tổ chức áp dụng sớm nhất các nguyên tắc “toàn cầu” này. Họ áp dụng một cách đánh duy nhất với tất cả những địa điểm họ tấn công từ Viễn Đông tới Trung Á, Tây Á, Đông và Trung Âu, đó là cách đốt sạch, phá sạch. Nhưng bản chất thế giới là khác biệt; nếu như cả Đại Việt và Chăm Pa cùng dùng kế “vườn không nhà trống” để dụ địch vào thành rồi đánh, thì Krakow đã phát triển hệ thống phòng thủ với thành quách và pháo đài trước lần bị tấn công thứ ba. Hai cách không giống nhau nhưng đều giúp chiến thắng vẻ vang quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ!

Đại học Kinh tế Krakow
Đại học Kinh tế Krakow
Đường lên Lâu đài Wawel Castle
Đường lên Lâu đài Wawel Castle

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN