Khi người viết nói sẽ đi Trường Sa, bạn bè đều bảo “sướng thế, sắp được đi du lịch nhé!”. Người viết cũng nghĩ như vậy lúc ban đầu!
Ý tưởng về chương trình đã được thông báo trước đó khoảng hơn một tháng, nhưng toàn bộ quá trình chuẩn bị đều nằm trong vòng “bí mật” tới cả ngày bắt đầu và kết thúc. Các thành viên được tham gia đoàn chỉ được báo ngày khởi hành chính xác trước đó gần hai tuần.
Sự bí mật còn tiếp nối tới tận ngày khởi hành. Người viết có chút cảm thấy bối rối khi trước ngày đi một ngày vẫn không nhận được bất kỳ hướng dẫn nào về những việc cần chuẩn bị, hành trình đoàn sẽ đi hay thời gian cụ thể.
Đến ngày họp đoàn người viết mới vỡ lẽ ra cơ sự. Chuẩn đô đốc – người chỉ huy cao nhất của chuyến đi nói đây là một cuộc hành quân, vì vậy mọi thông tin cần phải giữ bí mật, các thành viên tuyệt đối không được thông tin rộng rãi lên mạng xã hội về hành trình trong suốt chuyến đi. Yêu cầu này được đáp ứng một cách dễ dàng bởi vì khi rời bờ các nhà mạng đều không phủ sóng, chỉ có Viettel có “nhả sóng” tại các điểm đảo, nhà giàn dàn ở thế hệ 2G; 3G chỉ được mở ở một vài điểm ít ỏi và tín hiệu rất yếu. Đây cũng là lý do vì sao tới tận khi trở về đất liền người viết mới giới thiệu được đến bạn đọc những bài viết về Trường Sa.
Buổi sớm trên KN490
Đoàn lần này gồm hơn 240 người đi trên con tàu kiểm ngư KN490 được đóng vào năm 2014. Tàu chỉ có 220 giường theo thiết kế, bởi vậy các anh em thủy thủ đoàn đã phải nằm ngủ ở mọi ngóc ngách như phòng tập thể dục để nhường giường cho khách. Người viết được “biên chế” vào phòng 325 ngay cạnh nhà bếp, gồm sáu giường hai tầng, khép kín với đầy đủ chăn đệm tinh tươm, nhà vệ sinh – nhà tắm sạch sẽ và tủ để đồ đẹp đẽ. Ban đầu người viết cứ tưởng tất cả các phòng trên tàu đều như nhau, nhưng hôm sau xuống tầng hai thăm phòng một chị bạn mới “tá hỏa” khi nhìn thấy một phòng nhỏ xíu nhưng vẫn dành cho 12 người, khách ngủ trên các giường ba tầng, mỗi tầng cao khoảng 60cm. Người viết thử trèo lên một giường tầng hai mà loay hoay một lúc lâu không biết làm cách nào để đưa người vào. Phòng này chỉ còn một lối đi nhỏ giữa các giường và chỉ đứng vừa một người, vậy nên chỉ phục vụ mục đích ngủ nghỉ, thời gian rảnh rỗi “cư dân” phải lên boong hay ca bin tàu vui chơi.
Nếp sống quân ngũ được áp dụng mỗi ngày: 5h30 báo thức, 6h ăn sáng, 11h ăn trưa, 6h chiều ăn tối, 9h tối ăn đêm. Mặc dù có hành trình dự kiến nhưng việc đi đâu mỗi ngày hoàn toàn có thể được người chỉ huy thay đổi cho phù hợp với điều kiện thời tiết và các yếu tố khác. Chỉ duy nhất Trường Sa lớn có cầu tàu, nên khi tới các đảo khác đại biểu phải rời tàu và chạy xuồng.
Không khó để chúng ta có thể hình dung vài ngày đầu việc phải dậy sớm khó khăn thế nào với nhiều khách, nhất là các bạn trẻ trên tàu. Nhưng cái khổ của hành khách chẳng là gì so với cường độ làm việc liên tục từ 3h sáng tới 11h đêm của tổ phục vụ hay lịch 3 tiếng trực – 3 tiếng nghỉ của thủy thủ đoàn.
Lịch hoạt động thăm đảo hai buổi sáng – chiều mỗi ngày cộng với hoạt động cá nhân kín mít nhưng người viết luôn thấy tràn đầy năng lượng mỗi bình minh trong suốt 11 ngày. Thế nhưng khi tàu cập bến, không biết sức lực bay biến đâu hết, và bắt đầu thấm mệt.
Có lẽ niềm tự hào được khám phá Trường Sa đã trở thành chất “doping” làm người ta chỉ biết háo hức tiến về phía trước! Và hải trình Trường Sa không phải là một cuộc du lịch, đó là một hành trình của sự thấu hiểu và sẻ chia.