Đây là một đoạn hội thoại có thực:
        Con trai: Mẹ, con sẽ cưới cô ấy!
        Bà mẹ: Đồ ngu, giai tân mà theo gái nạ dòng! Mày mà cố tình lấy con đấy thì tao từ mặt mày! Không còn mẹ con gì nữa!
Sau đó thì anh con giai lấy cô gái đã từng kết hôn và có một con gái riêng. Bà mẹ không nhìn mặt anh ta nữa. Nhưng những người hàng xóm láng giềng thì vẫn gọi anh là con của bà mẹ kia.
Câu chuyện này khá phổ biến trong cách nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam ứng xử khi con cái làm những việc gây mất lòng họ một cách nghiêm trọng, đặc biệt là chuyện hôn nhân. Nhưng dù họ có “từ mặt” con, thì họ không thể thay đổi một sự thực là họ đã sinh ra những người con đó.
Một câu chuyện tương tự khác là cha mẹ thường tự hào khoe với hàng xóm về những đứa con được cho là thành công hơn, và ít đề cập tới những đứa “kém cỏi”. Thậm chí họ tỏ ra xấu hổ, buồn phiền và che giấu chuyện đứa con “kém cỏi” đó sống bình thường và làm những công việc bình thường, không “sang trọng”.
Mở rộng ra ngoài xã hội, từ xưa và cho tới tận ngày nay những em bé sinh ra ngoài hôn thú hay không may bị bỏ mặc từ sớm mặc nhiên bị gán cho những “tội lỗi” mà số phận mang tới chứ bản thân các em không có quyền lựa chọn, các em bị gọi là “đồ con hoang”, “thằng không cha không mẹ”, “đồ con nuôi con mày”. Người ta có thể không thừa nhận các em, nhưng họ không thể thay đổi một sự thực là các em chắc chắc có một người cha – một người mẹ sinh học (cho tới thời điểm này khi công nghệ sinh sản vô tính chưa được cấp phép trên loài người).
Nếu bạn không thừa nhận cái gì đó tồn tại và bạn sống thanh thản với việc không thừa nhận nó, có thể bạn đã đúng!
Nhưng thực tế thì dù người ta từ mặt con, người ta vẫn đau lòng vì con không nghe lời mình và mong một ngày con hồi tâm chuyển ý. Dù người ta che giấu những đứa con không thành công, nhưng trong thâm tâm họ day dứt buồn phiền nhưng hy vọng con sẽ tiến bộ hơn. Dù họ coi bọn trẻ là đồ con hoang thì họ vẫn tò mò và nếu có cơ hội sẽ moi móc bằng được xem cha mẹ chúng là ai.
Vậy là họ vẫn đang tìm kiếm những điều có thực!
Còn rất nhiều ví dụ về những thứ không được thừa nhận nhưng chúng vẫn tồn tại như các cô gái-chàng trai hành nghề bán dâm, chuyện tình yêu ngoài hôn nhân…
Bạn không thừa nhận điều gì là có thực hoàn toàn không làm thay đổi sự tồn tại của sự thực đó! Tại sao không thay vì chối bỏ, mỗi người hãy bình tĩnh ứng xử với những điều mình không thích, không mong muốn để các bên trong những mối quan hệ như vừa nói đều có được cuộc sống tốt đẹp hơn? Những đứa con kém hơn sẽ không có cảm giác tự ti là chú vịt xấu xí, những em bé không có gia đình toàn vẹn sẽ tự tin mình là những đứa trẻ bình thường hay như anh con giai ở trên sẽ biết tạo dựng hạnh phúc thực sự để cha mẹ yên lòng.
Điều này có thể đòi hỏi cách thể hiện mới cho tình yêu bao la vẫn luôn thường trực trong mỗi người mẹ, người cha!

Ảnh bìa: Nhà hát Opera Sydney.

Bài viết lấy cảm hứng từ chuyện nước Úc đã thừa nhận một phần quyền của người Thổ dân sau một trang lịch sử dài gây tranh cãi, và kể từ đó họ đã xây dựng thành công một xã hội hài hòa hơn. Người thổ dân Úc vẫn đang tiếp tục vận động cho một sự thừa cao nhất trong hiến pháp. Thừa nhận & tồn tại là câu chuyện chung của loài người.

2 CÁC BÌNH LUẬN

  1. cô Liên viết nhiều bài thực tế với đời thường hay quá, anh khoe với bạn bè những bài viết của cô , chúc cô Liên có nhiều sức khoẻ hạnh phúc viét nhiều bài

    • Em cám ơn anh Trường đã đọc bài và ủng hộ giới thiệu cho bạn bè anh ạ! 😀 Em sẽ tiếp tục xuất bản bài viết và chia sẻ cùng mọi người.

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN