Sự tình cơ nhiều thú vị

0
877

17:07 24 thg 12 2011Công khai10 Lượt xem0

Tôi đang vừa nghe những băng âm thanh giới thiệu về 70 năm nền tân nhạc Việt Nam vừa mở blog ra viết những dòng này. Không phải bỗng dưng mà nói vậy. Chẳng là tuần vừa rồi tôi có tham gia một khóa học về các phương pháp định lượng trong nghiên cứu khoa học xã hội do một giáo sư y khoa người Việt tại Úc giảng dạy. Mới nghe thì chẳng có gì liên quan, nhưng mà thực có liên quan lắm. Học cả tuần chẳng để ý, đến lúc ngồi đợi phát chứng nhận hoàn thành khóa học tôi lật dở vô thức mấy trang tài liệu và phát hiện ra địa chỉ website của ông giáo sư đó. Vậy là tối về tôi thử mở trang web đó, tưởng chỉ xem qua cho biết, ai dè càng đọc càng thấy say mê. Thường thì với những người đã “công thành danh toại” như vậy, mọi người thường nghĩ rằng họ luôn nghĩ tới những điều to lớn, nhưng cảm giác bao trùm những trang viết đó lại là những ý tưởng hài hước nho nhỏ về cuộc sống, những bồi hồi khi nhớ về tuổi thơ, và đặc biệt là những xúc cảm trào dâng khi nghĩ về một người mẹ mới qua đời, một ông thầy tiểu học thời đã xa hay một “anh hai” đột ngột rời bước rồi từ đó ra đi mãi mãi. Những tình cảm rất đời thường và còn sầu vương khi nhớ về những cảnh tượng cuộc sống khác biệt rất nhiều đã từng trả qua. Điều đặc biệt là đó không phải chỉ là những tình cảm của một cá nhân duy nhất, tôi có cảm giác đó là tình cảm của một lớp người, một thế hệ đã sống qua những biến cố quá lớn trong lịch sử một dân tộc. Nếu không đọc những trang viết như vậy, có lẽ tôi sẽ mãi mãi chỉ là một người “phiến diện” trẻ tuổi. Dầu sao cũng thấy mình còn may mắn vì sớm được mở mang.

Điều tôi cảm thấy được mở mang nhiều nhất là những gì tôi đang nghe khi ngồi viết những dòng này. Bấy lâu nay tôi vẫn tưởng “nhạc Tiền chiến” là những ca khúc “ủy mị, phiền não” hay đại loại là “không tốt”. Thật là sai lầm! Giờ tôi mới biết Xuân và Tuổi trẻ là một bài nhạc tiền chiến. Khi nghe Thanh Thúy hát tôi cứ nghĩ đây là một ca khúc Cách mạng được sáng tác sau này. Ai dè, đó là ca khúc duy nhất của nhạc sỹ La Hối, một người gốc Hoa, được ra đời từ trước năm 1946. Thậm chí ca khúc này còn được dịch sang lời Hoa và được cộng đồng người Hoa thời đó rất yêu thích. “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới, làm đắm say bao niềm vui sống….”, giai điệu đó vẫn thường ngân lên trong đầu tôi, vậy mà tôi đã từng chẳng biết gì về nó cả. Đúng là “nông dân”! Ca khúc đó không có liên quan gì tới kháng chiến, không liên quan gì tới cách mạng cả. Cũng giống như nhiều ca khúc tiền chiến khác, nó ghi lại những tình cảm lãng mạn của con người thời bấy giờ, nó giản dị và vô cùng chân thực.

 

Tôi cũng biến thêm rằng không phải những người sáng tác nhạc tiền chiến là “xấu” nhưng kiểu suy nghĩ ấu trĩ trước kia! Văn Cao, Phan Huỳnh Điều đều từng sáng tác những ca khúc tiền chiến, và những ca khúc đó mới thực được gọi là những sáng tác bất hủ của họ. Rồi tôi biết thêm về những nhạc sỹ chỉ đến với âm nhạc có một lần, để lại một bài hát để đời rồi mất bóng mà không ai biết thêm gì về họ. Em Tôi, Dạ Khúc, Tôi bán đường tơ, Cùng một kiếp hoa…là những bài ca như thế. Thế hệ của tôi không mấy khi được nghe những bài hát đó, nhưng giờ thì tôi biết đó là những ca khúc đã làm mê đắm thanh nhiên của nhiều thế hệ trước.

Có nghe về lịch sử của tân nhạc Việt Nam tôi mới thực sự hiểu được những lời ca, giai điệu là những bản ghi lịch sử bằng âm thanh. Chúng phản ánh những biến cố lịch sử, những tư duy lịch sử và ghi lại hình ảnh cuộc sống bình dị của thời kỳ mà chúng được sáng tác.

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN