SÁ SÙNG QUAN LẠN: LỜI ĐỒN VÀ SỰ THỰC

0
1152
Thuyền trên bãi cạn lúc triều xuống ở Quan Lạn

Rời khỏi đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) rồi người viết mới vỡ lẽ mình vừa đi qua vùng có đặc sản sá sùng nổi tiếng nhất nhì Việt Nam (cùng với Nha Trang và Côn Đảo). Câu chuyện về sá sùng nơi đây là minh họa sống động nhất cho cái lẽ lời đồn thường không giống sự thật.

Đi bắt “mồi” trên bãi cạn Quan Lạn

Chẳng là trong bữa tối trên đảo có món sá sùng, nên một thành viên cùng đoàn với người viết giới thiệu rất nhiệt tình về sự đặc biệt của món ăn này. Anh nói rằng sá sùng hay còn gọi là giun biển (vì hình hài nó giống y con giun đất nhưng to hơn và sống ở biển), rằng chỉ có phụ nữ mới bắt được con này, và vào những ngày “chu kỳ” của nữ giới thì sẽ tuyệt đối không thể bắt được. Không biết có phải vì đây là món “bổ thận tráng dương” nên người ta có sự giải thích kỳ bí như vậy không?!

Những phụ nữ đi bắt “mồi”

Vốn tính tò mò nên sáng hôm sau người biết thuê một chiếc xe máy giá 80 nghìn đồng cho một tiếng để chạy xem xung quanh Quan Lạn. Ngoài mặt hướng ra biển Vịnh Bắc Bộ lúc nào cũng đầy nước, mặt hướng vào trong của đảo là những bãi cạn trơ cát vào buổi sáng khi thủy triều xuống. Khi bước chân lang thang trên bãi cạn phẳng lỳ ở xã Minh Châu với những con thuyền gỗ đang đậu trên đó, người viết nhận ra có những chị em phụ nữ đang lúi húi vác mai dài trên vai và tay xách một chiếc quang gánh nhỏ có một cái rổ và một cái chậu cũng nhỏ lồng vào trong.

“Mồi” nằm trong rổ

Người viết tiến gần các chị và hỏi “các chị đang làm gì đấy ạ?”, thì một chị nói “đi bắt mồi”. Không hiểu “mồi” là gì nên người viết hỏi tiếp “mồi là gì chị ơi?”, chị đáp “là con sá sùng”. Nói đoạn chị dừng lại, hạ mai, xắn xuống cát, nhấc lên và thấy một con “giun” to tướng, chị nhặt bỏ vào rổ. Đó là sá sùng. Lúc đó là 7 giờ sáng, nắng đã chan hòa và nhóm bốn chị em bắt sá sùng này chuẩn bị kết thúc một buổi đi bắt. Một lạng sá sùng tươi có giá từ 25 nghìn tới 40 nghìn, tùy kích cỡ to nhỏ. Có chị nói hôm nay sẽ đem đi bán, có chị nói dạo này họ mua rẻ quá nên sẽ mang về ăn, có chị nói sẽ phơi khô và bán sau. Một cân sá sùng khô bán được chừng 4 triệu đồng.

Người viết cũng hỏi các chị về ai đi bắt sá sùng, họ nói “đàn bà đi bắt”. Người viết hỏi tiếp “sao đàn ông không bắt?”. Các chị nói “đàn ông bắt thì hết việc của đàn bà à”. Sự thực đúng là hầu hết người đi bắt sá sùng là phụ nữ, nhưng không phải vì lý do huyền bí như lời đồn, mà đơn giản là sự phân công lao động tự nhiên. Đàn ông ở đảo làm nghề chài lưới, đàn bà ở nhà không có ruộng đồng mà cày cấy như ở trong đất liền, nên họ tìm đến công việc này như một sinh kế.

Nam giới bắt mồi

Người viết đã tìm được bằng chứng thuyết phục cho sự giải thích này. Khi chạy xe tới địa phận xã Quan Lạn trên cùng đảo, giữa bãi cạn mênh mông có rất nhiều người đào bắt, người viết đã thấy bóng dáng một nam nhân.

Bữa tối đó sá sùng được xào với lá lốt, ăn có cảm giác lạnh và vị thì giống hệt mì chính (bột ngọt). Vốn đã không dùng bột ngọt nhiều năm nay, nên quả thực món ăn đặc sản này đã không gây ấn tượng đẹp với người viết!

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN