1.Ở Paris: Một buổi tối gần Giáng Sinh, người viết đi bộ từ Vườn Tuileries về khách sạn. Càng về đêm trời càng lạnh, cho dù áo khoác có mũ nhưng khi đi ngang qua Bảo tàng Louvre thì đầu lạnh buốt không chịu thêm được nữa, từ đấy về khách sạn còn khá xa, lại thấy có mấy anh báo dạo/hàng rong bày khăn, mũ, găng tay trên nền đất nên người viết quyết định sẽ mua một cái mũ len. Khi được hỏi bao nhiêu tiền chiếc mũ đỏ này, anh bán hàng nói 15 euro. “Kiểm nghiệm sản phẩm” mấy giây người viết quyết định trả giá 5 euro. Anh đó cười bảo không có giá rẻ thế đâu, nhưng mình biết chắc mấy anh này nói giá trên trời nên giả bộ bước đi. Mới đi được một bước thì anh kia bảo “Thôi 10 euro, cô mua đi”. Người viết lắc đầu, bước thêm một bước nữa và nói “Đúng 5 euro thì mua”. Anh bán hàng chẳng phí thêm giây nào nữa, bán luôn! Hôm sau khi đi ngang qua mấy cửa hàng mũ nón đàng hoàng trong phố Paris, người viết thấy người ta bán cái mũ đó có 3,5 euro.
2. Ở New York: Trên đường đi bộ từ Times Square tới Central Park, khi còn cách công viên trung tâm chừng 400m, có anh chàng cầm bảng quảng cáo dịch vụ xe lôi (xe đạp kéo ghế ngồi cho khách phía sau) đưa khách ngắm công viên. Dịch vụ tính theo thời gian, 30 phút, 45 phút, 1 tiếng. Bảng giá của anh này đề một tiếng hết $180. Người viết nhìn thấy đắt quá nên cũng không hỏi thêm. Đi thêm chừng một trăm mét, ngó bảng giá của một anh khác thì một tiếng còn $150. Đến cổng Central Park, các anh đạp xe xô ra chào mời khách rất đông, bảng giá công khai là $120 cho một giờ. Người viết quyết định hỏi chuyện một anh bạn lái xe trẻ tuổi, anh vẫn nói giá $120. Người viết nói như thế đắt quá và đi thêm vài bước. Anh kia chạy theo sau bảo “Nếu mà cô đi thì tôi có thể chỉ lấy cô $100”. Người viết vẫn quyết mặc cả thêm, nói “Nếu $80 thì đi!”. Kết cục là anh kia đồng ý chở xe lôi quanh công viên trong một tiếng với $80, suốt chặng đường không thấy anh ấy giới thiệu gì về cái Central Park mà toàn lo chỉ các nhà xung quanh công viên là của ngôi sao nào!
3. Ở Úc: Một lần vào thăm khu vực của người thổ dân Úc, người viết mua một bức tranh do một nghệ sĩ thổ dân vẽ làm kỷ niệm. Lúc lên xe ra về, người bạn hỏi giá bức tranh, người viết trả lời “$200”. Bác bạn lớn tuổi người Úc nói “Thế cô không mặc cả à? Tôi không nghĩ nó giá đó!”. Ngoài ra, khi đi mua các mặt hàng có giá trị lớn như đồ điện tử, đồ trang sức ở xứ sở Kangaroo, việc mặc cả là hết sức bình thường ngay giữa các trung tâm thương mại. Ở các chợ dành cho khách du lịch như chợ Fremantle (Perth), du khách cũng không nên ngần ngại mặc cả/trả giá để được giảm chút ít cho món hàng.
4. Ở Canada: Khi mua cuốn sách về người thổ dân trong Bảo tàng Hoàng Gia Toronto, cô bán hàng đã đồng ý giảm cho người viết 10% sau khi được “phàn nàn” là bìa ngoài hơi bị xước.
Có lần người viết nghe một bạn Úc kể chiến tích đi du lịch ở Việt Nam đã mặc cả mua cái áo chỉ bằng một nửa giá chào. Mức giảm này xem ra cũng không là gì so với anh bán mũ ở Paris hay anh xe lôi ở New York! Và xem ra nói thách – mặc cả là một nét văn hóa chung ở khắp nơi!
Ảnh bìa: Philadelphia, Hoa Kỳ