“Ôi tôi buồn quá cô ạ! Tôi kể với cô chưa nhỉ? Về chuyện 30 năm nay tôi không biết con trai tôi ở đâu ấy?” Đó là câu chuyện của một bác gái Úc năm nay đã gần 90 tuổi. Bác có ba người con trai trong đó chỉ có hai người còn liên lạc với bác, nhưng họ đều ở rất xa và người con quan tâm bác nhất là người vẫn gọi điện cho bác hàng tuần.
Rất nhiều các ông bố bà mẹ đang đầu tư cho con cái sang Úc học tập với mong muốn rằng con cái sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở xứ người. Cuộc sống ở xứ ấy cũng sẽ làm con cái họ thay đổi lối suy nghĩ về cách sống. Không biết các bậc phụ huy đó có khi nào tự hỏi “Mình có thích con cái đối xử với mình lúc về già như “kiểu Úc” hay không?
Đây là cuộc sống điển hình của một người Úc khi về già.
1.      Sống một mình trong một căn nhà lớn
Người Úc lớn tuổi rất hiếm khi sống cùng con cái; việc sống chung phổ biến hơn ở cộng đồng người gốc Á hay Nam Âu (như Italia, Bồ Đào Nha). Tại căn nhà nơi họ đã sống cả đời, sinh ra và nuôi dưỡng tất cả những người con đến khi trưởng thành rồi ra ở riêng, giờ đây chỉ còn lại mình họ với ba hay bốn phòng ngủ, phòng khách – bếp rộng rãi và cả khu vườn bên ngoài nữa. Trừ những lúc đi ra ngoài, công việc hàng ngày của các cụ là ăn uống, ngồi trước màn hình TV, đọc sách báo và lo cài chặt cửa khi trời sắp tối để không ai đột nhập được vào nhà. Chính nhờ đọc và xem thường xuyên nên dù chỉ ở nhà các cụ vẫn cập nhật tình hình thời sự khắp thế giới. Chỉ cần nói chuyện với các cụ là bạn không cần phải xem tin tức.
2.      Bận rộn với hoạt động giao lưu xã hội
Nếu như các ông bà lớn tuổi ở Việt Nam thường bận rộn với việc trông cháu giúp con cái, thì ở Úc các cụ lại bận rộn với các hoạt động giao lưu xã hội. Họ tới các câu lạc bộ cho người già, tập hơp các cụ bà cùng đan len làm từ thiện cho trẻ em ở các nước nghèo, tới các lớp học dành cho người bị suy giảm trí nhớ, làm “công quả” ở các trung tâm/cửa hàng từ thiện… Các cụ cũng có giúp trông cháu khi con cái đi nghỉ hoặc không sắp xếp được việc gửi trẻ, nhưng họ không coi đó là nghĩa vụ đương nhiên của ông bà hay công việc chính của họ.
3.      Mừng rơi nước mắt khi con đến thăm được một lần mỗi tuần
Các cụ có mong con cháu tới thăm không? Tất nhiên là có. Tuy nhiên họ cũng không mong muốn việc con cái tới thăm họ quá thường xuyên. Người con tốt trong mắt đa số các cụ già Úc là người có thể tới thăm hoặc gọi điện cho cha mẹ mỗi lần một tuần.
Có cụ nói với con gái rằng: “Con không phải tới thăm mẹ thường xuyên đâu. Con đã lấy chồng rồi, giờ chồng và con con là số một, bố mẹ chỉ là số hai thôi. Lo lắng xong cho chồng con rồi hãy tới thăm mẹ!”
4.      Đến trung tâm dưỡng lão khi đã quá già yếu
Các cụ già Úc sống độc lập (với con cái) ngay cả khi họ bước vào giai đoạn cuối của đời người. Sau một đời sống trong ngôi nhà thân yêu của mình, sẽ tới một lúc nào đó sức khỏe của các cụ suy sụp, tần suất nhập viện ngày một tăng và việc hỗ trợ các cụ sống tại nhà quá tốn kém thì các cụ sẽ được chuyển vào các trung tâm dưỡng lão để được chăm sóc 24/24 giờ. Các cụ có vui vẻ vào trung tâm không? Không ai vui vẻ khi chuyển vào sống trong trung tâm cả, ai cũng muốn sống và chết tại ngôi nhà của mình. Nhưng cuối cùng các cụ chấp nhận chuyện đó như một lẽ bình thường của cuộc sống – “Mình sống độc lập cơ mà!”
Chính ý niệm về sự “độc lập” là sợi dây xuyên suốt cuộc đời mỗi người dân xứ Kangaroo và là điều giúp lý giải cho sự thực có phần “phũ phàng” ở trên. Khi con còn nhỏ, bố mẹ muốn con cái sớm tự lập – tự ăn uống, tự trải nghiệm, tự chăm sóc bản thân, tự vay tiền học tập và kiếm công ăn việc làm, tự quyết định việc hôn nhân và sinh con đẻ cái. Giờ đây khi con cái đã trưởng thành, bố mẹ già cũng sẽ sống độc lập (với sự trợ giúp của các dịch vụ xã hội) mà không cần phụ thuộc vào con cái. Xét trên từ góc độ này thì “sự đánh đổi” xem ra là hợp lý!
Ảnh bìa: http://i.dailymail.co.uk/i/pix/2008/06/13/article-1026152-00BABD6100000578-626_468x316.jpg

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN