Du lich Tay Nguyen
Trên cửa sau một nhà dài ở Buôn M'Lieng

Nghe “đồn” trên trang thông tin du lịch của tỉnh Đăk Lăk là ở Buôn M’Lieng ở gần hồ Lăk có sáu căn nhà dài của người M’nong được phục dựng như xưa, khung bằng gỗ, xung quanh tường bằng liếp tre nứa và mái lợp cỏ tranh, trong nhà có ghế K’pan và cồng chiêng… Với một người ham mê văn hóa bản địa thì không còn gì hấp dẫn hơn. Vậy là người viết tới Buôn Mê hôm trước thì hôm sau phải đi M’Lieng ngay.

Du lich Tay Nguyen
Trẻ con ở Buôn M’Lieng

Hơn 8 giờ sáng đã có mặt ở buôn. Đi từ đầu tới một đoạn khá xa chỉ thấy toàn nhà sàn cột bê tông, mái tôn, đi đến tận cuối buôn vẫn không thấy sáu căn nhà “trong truyền thuyết” đâu. Người viết quyết định đi lang thang để tìm. Gặp hai chị phụ nữ đứng chơi, người viết lân la hỏi chuyện thì mới ngã ngửa khi một chị nói sõi tiếng Kinh cho hay mấy cái nhà đấy người ta phá bỏ lâu rồi. Ngày xưa nghèo thì vài hộ ở nhà được phục dựng đó, nhưng sau này làm ăn khấm khá, họ phá đi để xây nhà bê tông khang trang hơn. Cứ ngỡ là “tàn một giấc mơ”, nhưng mắt lại sáng lên khi chị đó nói, chỉ còn một căn nhà duy nhất, và chị dẫn người viết tới đó. Kinh nghiệm du lịch Tây Nguyên là “chớ” nghe theo mấy trang chỉ dẫn du lịch chính thức!

Du lich Tay Nguyen
Trước cửa chính ngôi nhà dài phục dung trong “truyền thuyết”

9h sáng, nắng đã lên cao! Trên đường đi tìm căn nhà dài theo lối cổ còn sót lại, người viết thấy các anh trai, chị gái lùa từng đàn trâu đi ăn. Hàng trăm con trâu chậm rãi bước đi như những người chủ của chúng. Có vẻ họ sống rất thư thả và bắt đầu một ngày khá muộn! Không còn ai mặc quần áo truyền thống của dân tộc M’nong. Trong buôn cũng không còn ai dệt vải. Thi thoảng có ngời Ê-Đê mang thổ cẩm vào bán thôi! Văn hóa của hai dân tộc này giờ khá giống nhau. Chỉ có tiếng nói là khác. Người Ê đê nói tiếng Đa Đảo, còn người M’nong nói tiếng Môn – Khme, và có lý thuyết nói rằng họ chính là người Khme cổ thuộc đất Phù Nam xưa. Hiện tộc người M’nong sống ở Tây Nguyên – Việt Nam và đông bắc Campuchia.

Du lich Tay Nguyen
Bên trong ngôi nhà dài phục dựng

Căn nhà dài mà chúng tôi tìm đến nằm sau lưng một nhà xây, có lẽ vì thế mà lúc mới vào buôn tôi không thấy. Đúng như mô tả, gỗ – tre nứa – cỏ tranh, nhưng căn nhà siêu vẹo và xuống cấp nghiêm trọng. Trong nhà, phần sàn đã võng xuống và người viết được cảnh báo không bước vào khu vực đó kẻo lọt xuống đất. Vì là nhà phục dựng theo dự án bảo tồn, nên khi dự án hết kinh phí thì người ta cũng bỏ đi luôn. Nhà chỉ có một cụ bà sinh sống, bà không nói được tiếng Kinh nên người viết nói chuyện qua phiên dịch. Bà không còn nhớ nhà xây từ khi nào. Người Ê-đê đặt bếp ở sau nhà, nhưng người M’nong lại đặt bếp ở cửa chính. Mặt tiền nhà là cửa quay vào bên trong, còn cửa nhìn ra đường chính của buôn là cửa sau. Hộ này nghèo nên trong nhà hầu như không có đồ đạc gì ngoài ghế Kpan bảo tồn còn sót lại. Các hộ khá giả hơn sẽ có tủ, chóe, máy thu hình, xe máy, trâu… Họ vẫn nhốt trâu ở dưới sàn. Các thành viên trong gia đình nằm ngủ dọc hai bên căn nhà.

Du lich Tay Nguyen
Trong nhà một hộ gia đình khá giả hơn

Người M’nong ở Lăk trồng lúa nước, ở những huyện khác họ làm lúa nương. Họ cũng nổi tiếng với tài săn voi. Trong biệt điện Bảo Đại gần đó còn treo mấy tấm ảnh chụp người M’nong săn voi. Có lẽ voi đã hết nên mấy “ông voi” phục vụ du lịch ở quanh hồ đều ngang ngửa tuổi của người viết. Thấy các “bạn” bằng tuổi vẫn phải chở khách khá tội nghiệp!

Du lich Tay Nguyen
Bà cụ chủ nhà dài phục dựng tiễn khách đi!

Trải nghiệm văn hóa khi du lịch Tây Nguyên cực kỳ thú vị, nhưng các dịch vụ ở đây thì còn lâu mới tiến tới chuyên nghiệp!

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN