Cuối cùng thì cũng đào được một vỉa vàng! Đó là tại Kalgoorlie trong vùng Goldfields của bang Tây Úc.
Nằm cách thành phố Perth 595 km đường bộ, ở điểm tận cùng của Great Eastern Highway, hoặc 350km đường chim bay trong vòng 1 giờ 5 phút, Kalgoorlie được Patrick Hannan và hai người bạn phát hiện có vàng vào ngày 14 tháng Sáu năm 1893. Vào giai đoạn bùng nổ tìm vàng trong khu vực, những năm 1890s, người ta nghĩ rằng, cơn sốt tại Kalgoorlie rồi sẽ nhanh chóng hạ nhiệt, nhưng trái với hầu hết mọi dự đoán, các mỏ vàng ở đây vẫn đang hoạt động tới ngày nay.
Đường dẫn nước vĩ đại từ Perth tới Kalgoorlie
Trong giai đoạn Gold Rush nóng hổi đó, có một con người với tầm nhìn trăm năm đã đề xuất đại dự án xây dựng đường ống dẫn nước từ Perth tới Kalgoorlie để đáp ứng nhu cầu của dân số có lúc đã lên tới 200.000 người trong toàn vùng. Người đó là Charles Yelverton O’Connor (11/01/1843 – 10/03/1902) – một kỹ sư gốc Ireland. Ông cũng chính là người đã đề xuất dự án được coi là “bất khả thi” trước đó – dự án xây dựng cảng Fremantle ở cửa sông Swan thay vì xây ngoài biển như tư vấn của các nhà kỹ thuật tên tuổi đương thời. Tương tự như dự án cảng Fremantle (khởi công xây dựng năm 1892, bắt đầu khai thác từ năm 1897 và tiếp tục mở rộng sau đó), đường dẫn nước của O’Connor, dù được sự ủng hộ của một con người có tầm nhìn trăm năm khác là Thủ hiến đầu tiên của bang Tây Úc, John Forrest, và đã được nghị viện bang thông qua, nhưng O’Connor vấp phải sự phản đối dữ dội từ rất nhiều người, đặc biệt là báo chí vì những người này cho rằng đường ống nước gần 600km này là quá đồ sộ và không thể làm được với công nghệ, kỹ thuật cuối thế kỷ 19. Dù vẫn tiếp tục thực hiện dự án, nhưng áp lực quá lớn đã khiến O’Connor phải tự vẫn bằng cách bắn vào đầu mình tại cảng Fremantle gần một năm trước khi đường nước vĩ đại chính thức vận hành (1903). Du khách lái xe dọc Great Eastern Highway hôm nay có thể dễ dàng nhìn thấy đường ống nước màu trắng trăm năm vẫn đang chạy song song, vẫn đang hàng ngày, hàng giờ, mang nước đến cho cư dân thưa thớt hai bên đường cho tới trung tâm đào vàng của nước Úc.
Người viết đứng bên cạnh Super Pit – Mỏ vàng lớn nhất nước Úc cho tới năm 2016
Đi tới Kalgoorlie mới thấy hết sự vĩ đại của những “người tiên phong” ở xứ sở khô cằn Tây Úc này. Một Super Pit (dài 3,5km, rộng 1,6km, sâu hơn nửa cây số) mỗi năm sản xuất khoảng 800.000 ounce (25 tấn) vàng (cho tới năm 2029); một đường ống nước vĩ đại dài 530km; một “thiên đường” giữa nơi đồng không mông quạnh khô cằn nhất là đoạn từ Southern Cross tới Kalgoorlie. O’Connor không còn, nhưng tầm nhìn 100 năm của ông vẫn đang phụng sự nước Úc cho tới ngày nay và còn còn nhiều năm nữa.