CÁC CHỊ MUỐN MẤT BÌNH ĐẲNG HAY SAO MÀ ĐÒI QUÀ NGÀY 8 THÁNG 3?

0
6184
Người viết đặt chân tới nước Australia “tầm sư học đạo” vào một ngày mùa hè nóng bỏng giữa tháng 1, tức cũng chỉ hơn tháng nữa là tới cái ngày tưng bừng và rộn rã ở Việt Nam, ngày 8 tháng 3. Lúc ấy tuy tuổi đời không còn trẻ nhưng người viết còn “ấu trĩ” khi nghĩ rằng “Ngày Quốc tế – thì chắc là nước nào cũng tổ chức kỷ niệm”. Bởi vậy trong lòng cũng háo hức ngóng chờ xem ở xứ Kangaroo người ta có một “ngày toàn dân mua hoa và tặng quà” như ở quê nhà hay không.
“Càng trông đợi thì càng chẳng thấy”[1], ngày 8/3 đầu tiên tại Úc là một ngày bình thường như mọi ngày, không thấy người người nhào ra siêu thị mua hoa, không thấy báo đài từ quốc gia tới địa phương đưa tin “mít tinh” kỷ niệm… Trong bữa tối hôm đó, người viết nói chuyện với chủ nhà về cách người Việt Nam tổ chức ngày 8 tháng 3, cả nhà họ vô cùng kinh ngạc và nói rằng “Ở đây chúng tôi không ăn mừng ngày này – We don’t celebrate the day”.
Lần giở lại lịch sử, vì sao lại có ngày Quốc Tế Phụ Nữ? Là vì giữa thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20, phụ nữ trên thế giới phải chịu nhiều sự bất bình đẳng trong xã hội, làm việc nhiều mà tiền lương thấp hơn nam giới, không có quyền bầu cử, không được làm công chức hay tham gia vào đời sống chính trị xã hội để quyết định số phận của chính mình.
Người Úc có niềm tự hào là một trong những miền đất nơi phụ nữ không cần tài sản vẫn được quyền bầu cử và ứng cử ngang bằng với nam giới sớm nhất trên thế giới (từ năm 1894 tới 1902 lần lượt tại các thuộc địa Anh – tương ứng với các bang hiện nay, và trong phạm vi toàn liên bang Commonwealth of Australia ra đời năm 1901), trước cả đất mẹ Anh Quốc (1918 cho người trên 30 tuổi, 1928 cho người trên 21 tuổi) hay những người anh em lớn tuổi như Hoa Kỳ (1920) và Canada (1917). Phụ nữ ở xứ bạch đàn được pháp luật đặc biệt bảo vệ, được hưởng các chính sách chăm sóc đặc biệt khi mang thai, sinh con và chăm con nhỏ, họ trở thành những người giàu có nhất (tỷ phú ngành mỏ Gina Rinehart), những chính trị gia quyền lực nhất (Toàn quyền Quentin Bryce, Ngoại trưởng Julie Bishop)… Như vậy, những mục tiêu nguyên thủy của phong trào Quốc tế Phụ nữ đã sớm được hoàn thành ở Úc trước cả khi phong trào này lớn mạnh ở các quốc gia có thiên hướng xã hội. Điều này giải thích tại sao người Úc không lưu tâm tới ngày này. Ngay tại Hoa Kỳ nơi ra đời ngày 8/3 thì ngày nay người ta cũng không còn kỷ niệm rầm rộ như Việt Nam nữa. Xem lại bản đồ thế giới ngày 8/3, cũng chỉ có “một nửa thế giới” kỷ niệm (phần tô màu).

Nguồn ảnh : https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/3/33/International_Women%27s_Day_celebration.png

Quay lại Việt Nam, phụ nữ trên dải đất hình chữ S đã có đầy đủ về mặt pháp lý và trên thực tế những quyền mà phong trào nữ quyền đầu thế kỷ 20 đấu tranh giành lấy. Thậm chí phụ nữ Việt Nam có có nhiều “quyền” hơn phụ nữ Úc như quyền được lục ví khám đồ của chồng, quyền được giữ tiền của chồng, quyền được “sai bảo” quát mắng chồng mà không lo bị tố “bạo hành”…
Vậy thì các chị còn đòi “bình đẳng” gì nữa vào ngày 8 tháng 3 này?
[1] “Chế” từ nguyên bản “Cùng trông lại mà cũng chẳng thấy – Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu” – Chinh phụ ngâm khúc  của cụ Đặng Trần Côn

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN