CHUYỆN NHỎ NHƯNG VẤN ĐỀ TO
Cái tít bài này nảy ra khi người viết vô tình mượn và đọc được một cuốn sách vô cùng súc tích và lôi cuốn về lịch sử nhân loại từ thời tiền sử tới những năm 1990 – “Chuyện nhỏ trong một thế giới lớn” của Gombrich – một nhà lịch sử nghệ thuật gốc Do Thái sinh ra tại Áo và sống phần lớn cuộc đời tại Anh. Những câu chuyện nhỏ sau đây không có vẻ gì to tát giống như “lịch sử nhân loại”, nhưng chúng chắc chắn đang là một phần lịch sử của một góc trên quả địa cầu này.
Chuyện nhỏ 1:
Một bà mẹ trẻ có cậu con trai học lớp hai. Nhân một buổi chiều thứ bẩy đủng đỉnh tháng tư cuối xuân đầu hạ, “chị mẹ” giở sách vở của con trai ra xem. Vở Toán, vở Tiếng Việt dày kín chữ với vô số bài tập đã làm. Nhưng riêng vở môn “Tự nhiên – Xã hội” thì trắng tinh. Bà mẹ trẻ xem đoạn rất bực bội nghĩ rằng cậu con trai lười biếng không chịu chép bài, làm bài dù đã gần hết năm học rồi. Cô liền tức tốc cầm cuốn vở chạy xuống nhà quát vào mặt con trai.
Mẹ: Tại sao con không ghi bài, làm bài Tự nhiên – Xã hội?
Con trai lớp 2: Cô con bảo không phải làm. Chỉ học Toán với Tiếng Việt thôi.
Chuyện nhỏ 2:
Người viết có cô cháu gái sắp lên lớp 8. Nhân kỳ nghỉ hè, hai dì cháu đi chơi nhà sách và nói chuyện về việc học ở trường.
Dì: Ở trường bọn cháu có được thực hành nhiều trong các môn Vật Lý, Sinh học không? Những môn sáng tạo như Thủ công hay Mỹ thuật thì học như thế nào?
Cháu: Bọn cháu chẳng bao giờ thí nghiệm. Có một lần làm thí nghiệm môn Sinh thì toàn cô giáo làm chứ bọn cháu có được làm đâu. Còn môn Thủ công á? Dì đừng có hỏi cháu! Hồi cấp 1 học Thủ công, nhưng đến giờ là cô chủ nhiệm cho học Toán, xong cô dặn là “Nếu ai hỏi thì không được nói là giờ Thủ công phải học Toán!”
Chuyện nhỏ 3:
Mấy hôm trước người viết vô tình nói chuyện với một bạn trẻ vừa tốt nghiệp và đang là một anh công an mới vào nghề. Bạn trẻ này kể chuyện hồi cấp 3 (ở một trường cấp 3 tại Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh) cả lớp bạn đều tập trung học Toán – Lý – Hóa (khối A) để thi đại học. Bố mẹ bạn cũng muốn bạn thi khối A, nhưng bạn lại có khiếu về các môn xã hội nên tự định hướng cho mình sẽ thi Văn – Sử – Địa. Ở trường bạn, thậm chí thầy hiệu trưởng và cô chủ nhiệm biết học sinh nào có ý định khi khối C là “vùi dập tơi bời”, nói mấy bạn đó đừng có thi khối C, không có tương lai gì đâu. Kết quả là khi đăng ký khối C, bạn trẻ đó đã phải giấu biệt không hé răng cho ai biết vì sợ “bị kỳ thị”.
Phải chăng chỉ có Toán – Lý – Hóa – Văn – Anh mới cần thiết ở đời? Còn tất cả các môn khác chỉ là “vẽ vời”? Ba câu chuyện nhỏ bỗng làm cho người viết “sáng” ra một điều băn khoăn bấy lâu nay: Tại sao sinh viên đại học ngày nay 18 tuổi rồi mà dường như các bạn không mấy quan tâm tới đời sống quanh mình (trừ những “hot trends”), rất lười suy luận, không có vẻ ham mê sáng tạo và tính tự chủ không cao như “thanh niên” hồi xưa?
Tự nhiên – Xã hội không giúp học sinh cấp 1 đỗ đại học, nhưng giúp các em hiểu thế giới quanh mình như cách một con người bình thường cần biết để ứng xử và sống tốt với con người và tự nhiên.
Thủ công và các thí nghiệm không giúp học sinh đậu đại học, nhưng giúp các em biết cách ứng dụng lý thuyết và biết cách sáng tạo, thứ năng lực một một con người bình thường cần có để kiếm sống sau này. Thêm vào đó, nếu ta chưa dạy được các em kỹ năng này, thì cũng không nên lấp chỗ trống bằng “kỹ năng nói dối”.
Toán – Lý – Hóa không phải là con đường duy nhất để vào đại học, càng không phải là thứ duy nhất để kiếm sống sau này, vậy tại sao chúng ta lấy “tổ hợp” này làm “chuẩn” mà “ức chế” những lĩnh vực tài năng khác của học sinh. Phát triển năng lực vốn có trong mỗi người mới là cách bền vững nhất để kiếm sống và sống tốt, chứ không phải buộc học sinh đi theo định hướng mà các em không có khả năng. Điều này tương tự như chọn giống cây trồng thích nghi với sa mạc thay vì đổ nước đại dương vào sa mạc để trồng lúa nước.
Ba chuyện nhỏ rời rạc nhưng lại cùng dẫn tới một điểm chung: Hình như chúng ta đang bắt học sinh học rất nhiều thứ, nhưng lại thiếu một thứ thiết yếu nhất là những kỹ năng để làm một con người bình thường – sinh tồn được với những năng lực vốn có trong mình.

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN