“Có em nào ở Thành phố không ha?” (Thành phố là cách người miền Nam thân thương gọi Sài Gòn/Thành phố Hồ Chí Minh).
Câu hỏi mà các cô chú, anh chị em trong đoàn hay hỏi to mỗi khi lên đảo là có ai cùng quê với mình không. Cứ thế các anh em giới thiệu đồng hương cho nhau và câu chuyện trở nên tự nhiên từ lúc nào không biết.
Các em chiến sỹ tuổi đời đều rất trẻ, đôi chín tới hai mươi. Các em hầu hết đến từ các tỉnh ven biển như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu… Điểm thú vị là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đóng góp không ít con em cho Trường Sa. Nắng Trường Sa cho các em nước da đen giòn giống nhau, chỉ còn tiếng nói giúp phân biệt quê quán.
Em chiến sỹ quê ở Sóc Sơn – Hà Nội
Công việc hàng ngày của các chiến sỹ là huấn luyện và thay nhau canh gác trong một năm trên đảo. Vào những thời gian nhất định các em sẽ được gọi điện về thăm gia đình, bạn bè.
Em chiến sỹ quê ở Thanh Oai – Hà Nội
Trước đây người viết chỉ biết tới chiến sỹ hải quân qua hình ảnh và hình dung áo trắng xanh của chiến sỹ rất mỏng và mát. Đến Trường Sa người viết mới có cơ hội nhìn tận mắt chiếc áo ấy, thì ra chất vải cốt tông phải rất dày dặn để chống được cái nắng và thấm được mồ hôi ở xứ này.
Một em chiến sỹ cùng ở quận Tân Bình – Tp. Hồ Chí Minh
Khi câu chuyện đã trở nên thân thiết và được hỏi về dự định tương lai, các em chia sẻ rất cởi mở. Có em muốn chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp, có em sẽ về nhà đi làm cùng bố và các chú ở quê, một số em tính sẽ thi đại học, những em khác thì sẽ đi học một cái nghề gì đó để mưu sinh.
Dù lựa chọn có là gì đi nữa, thì người viết nghĩ sự rắn rỏi của Trường Sa sẽ giúp
các em vững vàng trên chặng đường phía trước.