Người Việt nhìn thấy áo dài là thấy quê hương Việt Nam và áo dài đã trở thành biểu tượng, thành linh hồn dân tộc trong lòng người Việt.
Còn người nước ngoài họ thấy gì khi nhìn vào áo dài?
Sở dĩ có câu chuyện này vì buổi tối thứ Ba vừa rồi, trong khi tản bộ cùng một người bạn Úc từ Đường Thành, sang Hàng Bông để ra Bờ Hồ, dọc đường có rất nhiều hàng bán đồ lưu niệm Việt Nam như đồ mỹ nghệ, thổ cẩm, áo dài, nón lá… tôi mới buột miệng hỏi: “Bạn có thấy áo dài giống với trang phục ở nước nào khác không?”
Bạn trả lời rằng: “Ồ, có lẽ nó có chút gì đó giống trang phục Ấn Độ – hai tà xẻ dài”.
Tôi hỏi tiếp: “Thế còn nón lá thì sao?”
Bạn nói: “Tôi thấy những cái nón tương tự mà nông dân họ dùng trên các đồng lúa nước ở Philipines, Trung Quốc hay Indonesia”.
Còn nhớ có lần một người đẹp Việt Nam diện áo dài trong một cuộc thi sắc đẹp quốc tế và người dẫn chương trình đã giới thiệu nhầm rằng cô đang trình diễn trang phục Trung Hoa. Lúc đó nhiều người hâm mộ quê nhà đã tỏ ra tức giận.
Thực tế là một cái gì đó đặc biệt với mình nhưng không nhất thiết nó cũng đặc biệt với người người khác, nhất là người đến từ nền văn hóa khác.
Một cái gì đặc biệt với mình, không nhất thiết phải là cái “độc nhất vô nhị” trên thế giới.
Điều làm áo dài trở nên đặc biệt không nằm ở thiết kế, kiểu dáng mà là ở cách phụ nữ Việt yêu áo dài, làm duyên với áo dài và mang hơi thở cuộc sống lên tà áo.

2 CÁC BÌNH LUẬN

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN