Người Iora sống ở khu vực trung tâm Sydney ngày nay (Botanic Garden, Nhà hát Con sò, Cầu Cảng và các vùng phụ cận). Và đây là cách mà một anh chàng Iora tìm kiếm “nàng thơ” của mình:
– Anh ta nhìn ngó trong nhóm thổ dân có thù địch với nhóm mình một cô nàng ưng ý nhất.
– Vào một buổi đẹp trời, với ngọn giáo thô sơ trong tay, anh ta sẽ tấn công cô gái từ phía sau, đánh vào đầu, vào cổ, vào vai rồi tới chân cho tới khi cô gái người bê bết máu và không đi nổi.
– Sau đó anh ta xốc nách cô gái đáng thương kéo lê lết cô ấy qua đường rừng gai góc về “địa bàn” của nhóm người anh ta đang cư ngụ.
Nếu có thể gọi đó là một cuộc “rước dâu”, thì có lẽ là cuộc rước dâu “đẫm máu” nhất mà tác giả từng biết.
Đây là những mô tả được ghi trong cuốn Thiên sử thi về nước Úc – “The Fatal Shore” của Robert Hughes.
Nghĩ tới nước Úc, người ta hay hình dung về một châu Âu ở Nam bán cầu, với đời sống văn minh, hiện đại. Người Úc mà mọi người nghĩ tới là những cư dâu Âu Châu da trắng xinh đẹp, lịch lãm. Nhưng ngược lại lịch sử, khi Thuyền trưởng James Cook lần đầu đặt chân lên đất Úc vào năm 1770, hay khi Thuyền trưởng Arthur Phillips cùng đoàn thuyền đầu tiên chở tù nhân – những người đang bị tìm mọi cách đẩy ra khỏi nước Anh để giảm tải cho các nhà tù, cập bờ Đông nước Úc, thì những người Úc thực sự mà họ gặp là những người thổ dân bản địa. Ước tính lúc đó có khoảng 300.000 thổ dân sống rải rác, và Iora (nhiều tài liệu gọi là Eora) là một trong hàng trăm nhóm cư dân lúc đó.
Ngoài ra, những người thổ dân thời kỳ đó được mô tả là có một cuộc sống cực kỳ hoang sơ và “dã man”. Họ không có nhà cửa, chỉ có túp lều dựng tạm, họ đi du mục từ địa bàn này sang địa bàn khác, kiếm ăn bằng săn bắt và hái lượm. Trẻ con sinh ra thì người mẹ tự nuôi và không biết bố nó là ai, nếu người mẹ không may qua đời thì đứa trẻ sẽ bị giết theo mẹ. Những người già không còn khả năng vận động, có thể trở thành gánh nặng cho nhóm cư dân sẽ bị bỏ mặc khi nhóm di cư sang nơi khác.