Yên ả thanh bình với nông trang đồng cỏ, cừu, bò rồi “sốc nặng” ở Sydney
Trong một đất nước rộng thứ 6 trên thế giới với gần 7,5 triệu km2, việc đi lại giữa các thành phố thủ phủ của Úc và giữa thủ phủ với các thành phố nhỏ trong từng bang chủ yếu được thực hiện qua đường hàng không. Bởi vậy cho nên nếu một người biết tường tận về các thành phố lớn ở xứ sở Bạch Đàn này nhưng lại không rõ có những gì trên mặt đất giữa những thành phố đó thì cũng là một điều không có gì phải kinh ngạc.
Trong hành trình lái xe dọc đường cao tốc Hume Freeway nối hai thành phố lớn nhất của Úc là Melbourne và Sydney tôi đã được thấy thêm một phần nước Úc.
Từ sông Murray vĩ đại tới mỗi lạch nước nhỏ đều là một phần thân thể Hume Freeway
Sông Murray là ranh giới tự nhiên giữa hai bang Victoria và New South Wales. Ranh giới này được nối liền bởi cây cầu mang cái tên rất đặc biệt – “The Spirit of Progress” trên Hume Freeway. Điểm ranh giới này cách Melbourne khoảng 300km và cách Sydney chừng 600km.
Có thể bạn đã từng nghe tới sông Murray trong tiểu thuyết nổi tiếng “Tất cả các dòng sông đều chảy” (All The Rivers Run) của Nancy Cato, trong phim truyền hình cùng tên hay biết tới nó là dòng sông dài nhất nước Úc và dài thứ ba trên thế giới (sau sông Nile và sông Amazon). Nhưng cây cầu và dòng sông nơi đây không mang dáng vẻ hùng vĩ như cầu Mỹ Thuận ghánh vác đôi bờ sông Tiền mênh mông hay cầu Cần Thơ vươn cao trên sóng nước Hậu Giang khó nhìn thấy bến bờ. Cầu nhỏ và sông cũng nhỏ, lòng sông hẹp như hầu hết những con sông khác ở đất nước khô cằn này.
Cái quý giá của nước ở xứ Úc được thể hiện sinh động nhất trên tên các địa danh dọc con đường liên bang này. Từ phổ biết nhất trên các biển tên đường là “Creek”, có nghĩa là lạch nước hay dòng chảy nhỏ. Có hàng mấy chục cái tên bao gồm chữ Creek trên đường từ Melbourne thẳng tới Sydney hay rẽ ngang xuống Canberra. Quả thật mỗi “creek” ấy chẳng khác gì một cái rãnh nước ở nông thôn Việt Nam, dòng nước nhỏ bé chảy len lỏi qua những sỏi đá nổi lên trên các nông trang. Nhưng những rãnh nước ấy lại quý giá như vàng, người ta phải làm nhiều cống ngang thân Hume Freeway để bảo vệ nguồn mạch sự sống.
Cừu, bò, cừu bò, bò và cừu
Rời khỏi ánh sáng đô thành Melbourne hay Sydney tôi được thấy hết nông trang này tới nông trang khác được ngăn cách nhau bởi những hàng rào thép mỏng manh mang đầy tính “tượng trưng”. Trên những đồng cỏ ấy chỉ thấy bò và cừu. Cừu lông dài, cừu bị cạo trụi lông. Hầu hết bò đều có da màu đen, chỉ thấy có một hay hai nông trại có bò da vàng từa từa bò ở Việt Nam.
Ăn và ngủ dọc đường cao tốc
Dù hành trình chạy liên tục gần 1000km, với tốc độ trung bình 110km/giờ nhưng các tài xế như chúng tôi đều cảm thấy khỏe khoắn và vui vẻ vì chặng đường được cắt ngắn thành những đoạn nhỏ bởi các trạm dừng chân. Những trạm dừng chân nhỏ chỉ đơn giản bao gồm bãi đậu xe rộng, nhà vệ sinh. Trạm lớn hơn có thêm chỗ nấu nướng, nguồn nước uống. Những trạm lớn nhất thì gồm cả cây xăng, siêu thị mini và nhà hàng ăn nhanh như McDonald và Hungry Jack. Trước mỗi điểm đó chừng 5km sẽ có biển báo để lái xe chuẩn bị tinh thần. Ngoài ra, nếu bạn muốn ngủ lại giữa đường thì cũng có khá nhiều motel và nhà nông có phòng sẵn sàng mở cửa phục vụ.
Hành trình dọc Hume Freeway cứ yên ả và thanh bình như thế cho tới khi tôi bị “sốc nặng” ở Sydney với giá gửi xe gần Market City trên Hay Street lên tới 20$ cho 1 giờ đầu tiên, 30$ cho 2 giờ và có giảm thêm chút ít cho những giờ tiếp theo (trong khi giá cao nhất ở Perth khoảng 5$/ giờ). Giá vé phương tiện công cộng ở đây cũng đắt khủng khiếp, 23$ cho một vé MultiDayPass, tức là loại vé cho phép đi tùy thích các phương tiện công cộng trong vòng một ngày, trong khi giá vé DayRider có giá trị tương tự tại Perth chỉ là 12$. Cú sốc cuối cùng trước khi chia tay Syd là một phần hải sản cho hai người ở Sydney Fish Market có giá 88$ với “nội dung chủ yếu” là khoai tây chiên và mực vòng, đắt gần gấp đôi một đĩa tương tự ở Fremantle (Perth).