Từ viết tắt  TPP đang dần trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam và được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế. Sáng sớm nay 12 nước thành viên đã ký kếp Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại New Zealand. Vậy bản chất TPP là gì mà có sức ảnh hưởng đến vậy?
Về nội dung, TPP là hiệp định đa phương giữa các quốc gia thành viên thỏa thuận về sự thống nhất hành động trên một loạt các lĩnh vực ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh như thương mại (tiếp cận thị trường, thuế, hải quan, an toàn vệ sinh, nguyên tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, đặc biệt chú trọng hàng dệt may), đầu tư, dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, thương mại điện tử, mua sắm công, luật cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước (SOE), sở hữu trí tuệ, người lao động, môi trường, hợp tác và phát triển năng lực, thúc đẩy kinh doanh và cạnh tranh, lĩnh vực phát triển, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự nhất quán về chính sách, sự minh bạch và chống tham nhũng. Như vậy, TPP bao trùm hầu như toàn bộ các lĩnh vực của một nền kinh tế hiện đại.
Về bản chất, TPP là sự nâng cấp và mở rộng hơn các thỏa thuận tự do thương mại đang tồn tại trong khuôn khổ WTO và các hiệp định song phương giữa Mỹ và các đối tác (Australia, Canada, Mexico, Peru, Chile, Singapore). Nội dung bao hàm rất rộng, nhưng không có nghĩa các thành viên phải tham gia ở mức độ giống nhau, họ có quyền bảo lưu không mở cửa một số lĩnh vực mà họ cho là chưa thể thực hiện được. Với cùng một nội dung, tốc độ tham gia của mỗi thành viên cũng không giống nhau.
Các phương tiện truyền thông trong nước luôn nhấn mạnh đến tiềm năng ảnh hưởng của TPP tới thương mại và đầu tư hai bờ Thái Bình Dương, về khả năng tăng xuất khẩu, tạo công ăn việc làm.
Thế còn người Mỹ – nước khởi xướng TPP, nói gì về hiệp định này?
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đúc kết tinh thần cốt lõi của TPP trong một câu ngắn gọn: “MADE IN AMERICA”. Cũng theo họ mục tiêu của Hoa Kỳ trong hiệp định này là “tăng cường sự lãnh đạo của Hoa Kỳ tại châu Á Thái Bình Dương và truyền bá những “giá trị Mỹ” vào các quốc gia này”.
Chính phủ Hoa Kỳ muốn tạo ra một sân chơi bình đằng cho các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài (gần giống như những gì họ được hưởng ở Mỹ, và ngang bằng với quyền lợi mà những doanh nghiệp ở các quốc gia khác được hưởng trên thị trường nội địa của quốc gia đó), nhờ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và đồng thời tạo ra nhiều công ăn việc làm có mức lương cao và ổn định cho người Mỹ ở trong nước, đưa sản phẩm  sản xuất tại Hoa Kỳ tiếp cận tới đông đảo khách hàng ở các nước thành viên TPP.
Con đường đưa Hoa Kỳ tới mục tiêu này là thông qua việc thúc đẩy các quốc gia TPP “noi gương” cách xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách quản lý nhà nước của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực thuộc TPP.
Như vậy mục tiêu khởi xướng TPP là rất rõ ràng, to lớn và quốc gia khởi xướng đã thuyết phục được các nước thành viên khác tham gia nhờ việc họ sẽ được chia sẻ một phần lợi ích trong đó.

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN