Hưởng ứng tinh thần thể thao cuồng nhiệt của các bạn Úc, người viết đã hăng hái đăng ký liền một lúc hai lớp học chơi quần vợt. Đây là môn thể thao phổ thông tại Úc, nhà nhà, người người đều có thể chơi vì học phí rẻ, giá vợt rẻ, giá thuê sân cũng rất rẻ so với thu nhập của họ. Hầu như mỗi phường (suburb) đều có một câu lạc bộ quần vợt với cơ sở vật chật gồm xấp xỉ chục sân. Mới chỉ “học vỡ lòng” thôi, nhưng tennis đã giúp người viết sớm “giác ngộ” nhiều điều thú vị.
1. Thể thao không song hành với sắc đẹp! Tennis là môn thể thao mùa hè. Điều đó có nghĩa là người chơi thường xuyên phải làm bạn với nắng. Kết quả sẽ đến thật nhanh chóng. Mới hơn tháng mà da dẻ từ mặt mũi đến tay chân đã đen bóng. Nước da này mà về Hà Nội thì chắc chắn sẽ bị tống khẩn cấp vào lò tắm trắng mới mong theo kịp nhan sắc các chị em ở nhà. Đó là với dân chơi “phất phơ”, còn các chị em chơi chuyên nghiệp thì không những cơ bắp tay-vai (nhất là tay thuận) sẽ rất phát triển, mà các mạch máu cũng có xu hướng lộ ra ngoài, giống triệu chứng của người đứng nhiều bị giãn tĩnh mạch chân. Không biết Sharapova ở ngoài thế nào (vì trong ảnh chắc chắn là qua photoshop), chứ nhan sắc như chị em nhà Williams là rất điển hình.
2. Muốn thành tài thì phải học từ sớm. Các em thiếu nhi Úc có thể học đánh tennis từ khi mới ba tuổi, rồi từ đó học theo lên. Trong lớp học mà người viết tham gia, có toàn chị em Úc và một chị Nhật. Nhìn các bạn đánh vô cùng duyên dáng, nhẹ nhàng như không. Hỏi ra mới biết các bạn Úc này đều đã từng học từ khi còn nhỏ (Junior). Có lẽ nhờ hệ thống đào tạo và cơ sở vật chất thuận lợi như vậy nên nước Úc chỉ có hơn 20 triệu dân mà mỗi năm có tới mấy cái giải tennis tầm cỡ thế giới như Australia Open, Hopman Cup, Brisbane International và có nhiều huyền thoại như Thelma Long và Lleyton Hewitt.
3. Thành công tới là nhờ bạn gặp được những người sẵn sàng “tha thứ” cho bạn. Người viết là học sinh học tệ nhất trong lớp. Cô giáo chỉ nói một lần là các bạn Úc làm được ngay, còn người viết thì có khi phải tập đi tập lại vài buổi. Chắc hẳn ai cũng hiểu cảm giác “người khôn ở với người ngu bực mình”, thế nhưng các bạn ấy và cô huấn luyện viên rất kiên nhẫn tập cùng và đợi người viết đi…nhặt bóng (vì toàn đánh trượt). Nhờ sự kiên nhẫn của các bạn mà người viết còn chút tự tin đi đến lớp buổi tiếp theo, và tới giờ cũng đã có được những kỹ năng cơ bản không quá tệ.
Quyền được sai, sự khổ luyện và cả sự hy sinh (trong trường hợp này là “nhan sắc”) có lẽ là những điều cần thiết để đưa con người tới thành công.