“VỀ MỘT CỤC” – RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN

0
1627
rut bao hiem xa hoi mot lan
rut bao hiem xa hoi mot lan

Mấy ngày nay dư luận rộ lên nói về việc hàng triệu người lao động Việt Nam đã rút bảo hiểm xã hội một lần, điều này làm mình nhớ lại việc mấy năm trước. Năm 2017 lúc học xong ở Úc về VN, người viết đã làm thủ tục rút “bảo hiểm xã hội – Pension” một lần cho thời gian có làm việc hưởng lương tại Úc, theo diện “đã đi ra nước ngoài” (có qua Tổng lãnh sự Australia tại Tp. Hồ Chí Minh làm một cái giấy gì đó xác nhận là đã rời khỏi Úc, giờ không nhớ chính xác). Sau đó hồ sơ gửi online, và tiền trả vào tài khoản chính chủ tại Úc.

Trước làn sóng rút bảo hiểm một lần hiện nay đang có nhiều luồng ý kiến trái triều. Một bên thì cho rằng người lao động không “nhìn xa” mà lo một khoản cho lúc về già, rồi việc này sẽ tạo gánh nặng an sinh xã hội cho nhiều chục năm tới. Ý kiến này chắc chắn không phải của những người đi rút bảo hiểm rồi, vì đối với họ việc rút là giải pháp cuối cùng để giải quyết những nhu cầu bức thiết trong cuộc sống ngay trước mắt. Ai đúng, ai sai?

Khi được rút BHXH một lần thì chắc chắn họ đã đủ điều kiện được rút. Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13, người lao động được rút bảo hiểm xã hội 1 lần khi thuộc một trong các trường hợp:

– Các trường hợp ốm đau, bệnh tật nghiêm trọng hoặc ra nước ngoài hoặc đã đóng BHXH nhiều năm nhưng chưa đủ tuổi hưởng lương lưu.

– Tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc tham gia bảo hiểm tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm.

Đa số anh chị em công nhân đi rút BHXH tự nguyện thuộc về trường hợp thứ 2 – khi họ đã nghỉ việc sau 1 năm và tương lai tìm việc có đóng BHXH đầy đủ còn mờ mịt trước mắt, trong khi tiền để chi cho sinh hoạt hàng ngày lại không thể đừng được.

Chính sách phủ BHXH rộng khắp là một chính sách hoàn toàn đúng về lợi ích quốc gia trong dài hạn – đảm bảo người dân khi gặp hoàn cảnh ngặt nghèo hoặc về già có được nguồn tài chính ổn định, tránh những khủng hoảng xã hội về người nghèo, người vô gia cư… Tuy nhiên, người lao động cũng hoàn toàn đúng khi phải lo cho đời sống gia đình ngay trong ngày, trong tháng, trong tuần. Khi tuần sau còn chưa biết sống ra sao thì làm sao lo được 20 năm sau sẽ thế nào?

Khi các khoản đóng BHXH không làm ảnh hưởng sống còn đến đời sống người lao động, thì chắc chắn việc đóng BHXH sẽ rất dễ dàng, như cách mà lúc người viết là một du học sinh vẫn đóng mỗi “fortnight – nửa tháng” lúc trả lương. Có người sẽ nói “mỗi tháng chỉ có 8% thôi mà”, cả bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là 10,5%. Con số phần trăm là giống nhau nhưng tác động tới đời sống các cá nhân là khác nhau.

Ví dụ:

1 quản lý có tổng thu nhập trong tháng là 50 triệu, lương đóng BHXH là 20 triệu, thì các khoản bảo hiểm phải nộp mỗi tháng 10,5% là 2,1 triệu. Vị chi khoản này chiếm 4,2% thu nhập của người đó, họ chỉ cần bớt đi một bữa ăn gia đình ở nhà hàng là đủ đóng. Bữa ăn nhà hàng này có thể có, có thể không.

Trường hợp 1 công nhân lương đóng bảo hiểm 6 triệu, tổng thu nhập 1 tháng là 8 triệu, các khoản bảo hiểm nôp là 630.000 đồng, chiếm 7,9% tổng thu nhập, và đó là tiền mua thức ăn đủ cho 3 ngày. Ba ngày này không có tiền mua đồ ăn thì cả nhà họ phải nhịn đói, mà ăn no là một nhu cầu tối thiểu và căn bản nhất của con người.

Từ đây có thể thấy, chúng ta khoan hãy trách người động không lo cho tuổi già, vì họ còn đang phải lo cho tuổi trẻ trước đã! Nếu chúng ta có thể giúp họ không phải lo tới tuần sau ăn gì, thì chắc chắn chính sách bảo hiểm xã hội sẽ thành công mà không phải thuyết phục nhiều. Vì khi đã no đủ rồi, thì người lao động chắc chắn sẽ nghĩ làm sao sống thật lâu để hưởng thụ sự no đủ đó và cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi ấy, bảo hiểm (thuộc mọi thể loại – xã hội, nhân thọ, y tế …) là cách giúp họ bảo đảm tương lai tốt đẹp!

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN