– “Anh Joe ơi cái gậy của anh đâu nhỉ? Anh nhớ cầm theo nhé.
– Iris, em đã bỏ túi vào xe đẩy chưa? Em đừng quên nhé. Để anh đi sang bên phải em, không thì anh sẽ xô ngã em mất!”
Đây là đoạn hội thoại giữa một cặp vợ chồng gần 90 tuổi và đã kỷ niệm 63 năm ngày cưới. Cụ bà bị mắc chứng quên những chuyện mới xảy ra, nhưng luôn kể rất rành mạch về những thứ từ sáu mươi năm trước. Cụ ông thì vẫn vô cùng minh mẫn và là người chăm lo cho vợ tất cả những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày. Khi chuẩn bị bữa ăn, đĩa thức ăn đầu tiên bao giờ ông cũng dành cho bà. Trong hai chiếc đĩa, ông bao giờ cũng dành cho bà cái đẹp hơn. Ngay sau khi đặt thức ăn lên bàn bao giờ ông cũng nhỏ nhẹ nhắc bà “đồ ăn đang nóng, em đợi chút cho nguội nhé”.
Trên hành trình Tây Úc, tác giả còn gặp nhiều, rất nhiều cặp vợ chồng già như vậy. Các cụ đi không còn vững, nghe không còn thính, nhìn không còn rõ nhưng luôn dành cho người vợ liệt nửa người hay mất trí nhớ ngắn hạn của mình những sự chăm sóc tốt nhất, và không muốn buông tay để vợ vào trung tâm dưỡng lão khi mình còn có thể lo cho vợ tại căn nhà mà họ đã từng chung tay gây dựng và nuôi nấng những đứa con.
Nếu có những khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống khiến khả năng ngôn ngữ của tác giả vốn không tệ cũng trở nên “bất lực”, không thể diễn tả cảm xúc đang trào dâng, thì đó là khi chứng kiến những hành động ân cần mà các cặp vợ chồng “bách niên giai lão” như cụ ông, cụ bà kể trên dành cho nhau.
Và sự xúc động khó nói thành lời đó dần chuyển thành một niềm ao ước – “Ước gì sau này mình được như các cụ ấy!”