11:14 19 thg 11 2007Công khai0 Lượt xem1
Tiếng là đi thăm cho nó oách, chứ thực ra là mấy anh em rủ nhau đi chơi. 11h thứ 7, tất cả lên xe Hải Âu về Hải Dương. Xe dừng ở Ga Lai Khê, mấy anh em sang đường để tìm xe ôm. Nhưng mà khổ một nỗi là các bác xe ôm ở đây làm việc theo giờ hành chính, nên chúng em cứ đứng ngồi một hồi, đi đi lại lại mà chẳng thấy bác nào. Không khí ở đây lại đặc biệt lắm các bác ạ. Toàn là mùi tỏi tươi thôi. Ngửi mà tỉnh cả ngủ.
Lâu lâu sau cũng thấy một bác tài xuất hiện. Nhưng chúng em có tới 5 người nên phải “điều” bác đó đi kêu thêm hai xe nữa. Lại phải cũng lâu lâu sau mới thấy 3 bác ầm ầm xông tới. Em, chị Yến đi 1 xe. Chị Hương, anh Tình đi 1 xe. Một mình anh Thọ 1 chiếc nên nhận thêm nhiệm vụ quản lý cái cặp của em. Trước buổi trưa ngày hôm đó em vẫn luôn nghĩ rằng người dân nông thôn sống chậm và làm gì cũng chậm. Nhưng mà em biết là em đã sai. Thú thật với các bác em chưa bao giờ đi với tốc độ như mấy bác tài đó trên đường cao tốc cả. Chị Yến mấy lần kêu “chú ơi đi chậm thôi, cháu sợ lắm” nhưng hình như phanh của bác ấy bị hỏng. Xe của chúng em cứ thế vèo vèo băng qua một bãi sông dẫn tới bến Phà Mây. Chủ nhà Thọ giới thiệu đây là sông Kinh Thầy. Bao nhiêu cảm xúc dâng trào trong em. Từ bé em đã ao ước được một lần nhìn thấy con sông đã làm nên “Hạt gạo làng ta” của Trần Đăng Khoa. Anh Tình cũng khao khát được nhìn ngắm dòng sông nơi Mạc Thị Bưởi năm xưa từng bơi lội. Em vui sướng lắm.
Sang đến bờ bên kia, các bác tài còn lao ác hơn lúc trưa. Nhưng mà vui lắm cơ. Ông chú chở 2 chị em còn tâm sự bao nhiêu nỗi cay đắng trong lòng vì bị vợ nó chèn ép. Chẳng là một tháng trước đây, một cô bạn gái của ông chú có tặng cho một cái điện thoại. Dòng chữ hiện ra khi khởi động máy là “Anh là ánh sáng của đời em. L.O.V.E”. Mối lần hết tiền, ông chú lại nhắn cho cô bạn kia, cô ấy sẽ lập tức gửi mã số nạp tiền. Mỗi lần tâm sự chỉ hết đâu khoảng 20 phút. Bạn bè người ta quý nhau thế đấy. Nhưng mà cô ở nhà không hiểu được tình bạn cao quý, cứ mỗi lần có chuông điện thoại, “không kể người tốt hay người xấu”, lập tức vồ lấy điện thoại và chửi. Mỗi buổi sáng, cô đưa cho chú 20 nghìn – 10 nghìn ăn sang, 10 nghìn đổ xăng. Trong ngày sẽ tự kiếm tiền và “tái đầu tư” cho xe. Tối đến, bà cô sẽ móc sạch tiền trong người ông chú. Đấy là ông chú kể thế. Em nghĩ thầm, bà cô như vậy là còn hiền đấy, chứ phải tay người khác không chừng ông chú “tan xương nát thịt” lâu rồi. Đúng là đàn ông, giống nhau tuốt, các bác nhỉ!!!
Câu chuyện kết thúc cũng là lúc đoàn xe ôm tiến vào thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và dừng trước cổng nhà anh Thọ. Lúc đó đã là 1 hay 2 giờ chiều gì đó. Gà qué, thịt thà, rau cỏ – bác gái đã chuẩn bị đầy đủ. Công việc của mấy anh em là lao vào bếp. Hôm đó mới biết anh Tình làm thịt gà rất cừ. Mọi thứ xong xuôi, anh Thọ mang đồ lễ đi tạ mả cụ, chỉ còn 3 chị em ở nhà. Buổi trưa không ai lót dạ cái gì nên mấy chị em mong ngóng anh Thọ về ra mặt. Ngồi dưới gốc khế, điểm tâm hết cả chục quả mỗi người mà vẫn “tuyệt mù không thấy …vào ra”. Mà cái giống hoa quả thì nó sót ruột các bác ạ. Chị Hương vào nhà khéo léo mang mấy cái bánh mì ra cho chị em bổ sung. Mãi đâu 6h tối mới thấy về. Gớm, mừng muốn chết! Cơm nước bày ra rồi, toàn thể “hội cỗ” xin phép không nói chuyện trong 20 phút đầu để tập trung vào chuyên môn.. Đúng là ăn mầm đá, ngon không kém gì Chúa Trịnh thuở trước!!!
Chẳng là lúc đi xe ôm, chúng em không may biết được tin gần nhà anh Thọ có mấy đám xem bói hay lắm. Thế là ăn xong chúng em lên đường luôn. Đám ở làng thì đã đi vắng. Đám thứ hai là cô Huê ở xã Lê Ninh. Cô này nổi tiếng về xem “lá trầu, quả cau”. Chắc vì thế cho nên mấy chị em cứ gặng hỏi xem khi nào lấy được chồng thì cô ấy bó tay. Mà em nặng vía lắm các bác nhé. Cô ấy xin âm dương đến hơn chục lần mới được đấy. Lần đầu xem dở cho em xong không xem tiếp được nữa nên tạm chuyển qua xem cho vợ bạn anh Thọ. Em ngồi ngoài ngủ giải lao một lúc rồi mới được gọi lên xem tiếp. Cô cũng chỉ phán đại thể là: cháu thảo lắm cháu ạ, chơi với bạn bè toàn nhận phần thiệt về mình mới vui, không lợi dụng ai bao giờ…. Sao mà cô nói đúng thế! Hix. Đến đúng 11h30 đêm mới xem xong hết lượt. Trần đời không có ai đi xem bói như thế bao giờ các bác nhỉ.
Về tới nhà, công việc đầu tiên của em là lao lên giường ngủ một mạch đến sáng. Sáng ra mới nghe tin hôm qua chị Hương không ngủ được. Vô tâm quá. An sang xong, cả hội cùng 1 em – cháu anh thọ lên đường đi Chùa Cao, đền Cao và động Kính Chủ. Chùa và đền nằm tít trên đỉnh một ngọn núi của dãy An Phụ, xã An Sinh, Kinh Môn. Nhìn từ xa, các bác sẽ nhìn thấy đường lên là một cầu thang dựng đứng giữa giời. Có trèo lên thì mới biết khâm phục các cụ ngày xưa các bác ạ. Bậc thì dốc, đường thì dài, em tưởng lăn xuống giữa chừng. Chùa và đền nằm trên đỉnh núi. Chùa Cao còn có tên gọi khác là Chùa Tường Vân. Đền Cao còn gọi là Anh Sinh Vương Sơn Từ, nơi thờ Anh Sinh Vương Trần Liễu, cha của Hưng Đạo Đại Vương. Phía dưới Anh Sinh Vương Sơn Từ là tượng đài Trần Hưng Đạo. Bước tượng rất cao to nhìn về dãy Yên Tử nơi cố hương của nhà Trần. Bên cạnh à một bức phù điêu bằng đất nung mô tả cảnh quân và dân lao động, chiến đấu chống lại quân Nguyên Mông thuở trước. Không gian rất hùng vĩ!
Đoạn đường xuống núi cũng vất vả không kém vì em vừa đi vừa phải phanh các bác ạ. Đi một lúc lại nghỉ, chùn cả chân.
Điểm dừng chân tiếp theo là động Kính Chủ – “hòn non bộ giữa một vùng đồng bằng”. Động này nằm trong núi Kính Chủ – xã Phạm Mệnh, Kinh Môn, phía sau là con sông Kinh Thầy. Đây là một dãy núi đá nhỏ trong đó có mấy động lớn và một động nhỏ. 2 động nằm sát mặt đất nên đi lại không vất vả gì, nhưng có mấy động tít trên cao, lúc xuống mặt đất mới biết mình đã “tu thành chính quả”.
Ra khỏi động thì cũng là lúc một trong số 3 xe không nổ được máy. Hàng sửa xe gần đó lại đóng cửa. Loay hoay một hồi, em với em Hà quay lại phía trên tìm kiếm. May quá, có hàng sửa xe An Toàn vẫn hé cửa, em hỏi thăm và gọi mấy bác mang xe hỏng quay lại. Gần 1h30 mới về tới nhà. Cả hội lại xin phép không phát ngôn gì trong 15 phút đầu. Các cụ nói cấm có sai, mầm đá thì lúc nào ăn cũng ngon các bác nhỉ!