QUA MIỀN PANDURANGA

0
1938
Phía sau tháp chính của quần thể tháp Chàm Po Klong Garai
Có ai biết xứ Panduranga nằm ở đâu không ạ? Cái tên nghe có vẻ như thuộc Malaysia, Ấn Độ hay Bangladesh này lại là của một vùng đất trên chính đất nước Việt Nam, xứ tháp Chàm Phan Rang!
Thêm một lần nữa, người viết lại được thấy dấu ấn Chămpa in đậm trong những tên gọi từ Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh tới Phan Rang, La Gi, Phan Rí. Tại Phan Rang, có một dấu ấn đặc sắc và nổi bật khác đó là khu tháp Chăm đẹp nhất, được bảo tồn nguyên vẹn nhất tại Việt Nam – Tháp Po Klong Garai (dân địa phương đọc là “Pô Klông Gờ-rài” chứ không phải “Po Klong Gơ-rai” như cách nhiều người hay đài báo hay đọc). Nhờ tới Phan Rang, nghe dân địa phương đọc mới biết truyền thông chính thống rất thường xuyên đọc không đúng cách mà một số dân tộc anh em gọi tên của chính họ. Ví dụ, chúng ta hay nghe trên đài gọi người “Rắc Lây”, nhưng thực ra bà con họ đọc hay chữ này là “Rặc Lày”.
Tháp Po Klong Garai nằm trên ngọn đồi Trầu, từ điểm cao nào, khách viễn du có thể phóng tầm mắt ngắm trọn thành phố Phan Rang nằm dưới thung lũng, xa xa là những cánh đồng khô bỏ cấy vụ này do không có nước được bao quanh bởi những dãy núi còn trơ đá trắng vì cây cũng không mọc nổi trong kiểu khí hậu nắng nóng và khô hạn.

Mukhalingla bên trong tháp chính (mặt vị vua gắn trên linga hướng ra cửa tháp). Người viết và một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm trẻ tuổi. 

Tháp Po Klong Garai do vua Chế Mân (người đã kết hôn với công chúa Huyền Trân của Nhà Trần vào khoảng năm 1306) xây dựng vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14. Có truyền thuyết cho rằng tháp được xây để thờ vị vua Po Klong Garai (1151-1205), nhưng các bằng chứng nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, thực chất quần thể ba tháp này (gồm tháp chính, tháp cổng và tháp lửa) nhằm thờ phụng Thần hủy diệt và sáng tạo – Thần Shiva. Trong tháp chính có một bảo vật, nghe nói ở Champa cổ chỉ có bốn bảo vật như vậy: Mukhalinga – linga có gắn mặt người. Tục thờ linga và yoni (biểu trưng cho thần Shiva) phổ biến tại những vùng có ảnh hưởng của Ấn Độ giáo như Chămpa cổ, Indonesia.

Tháp cổng

Hai bên hông tháp có hai cây me cổ thụ, nét xanh nhạt của lá me càng làm tăng vẻ rực rỡ cho ba tháp gạch đỏ. Các nhà nghiên cứu chưa tìm ra được lý do vì sao mà hễ ở đâu có tháp Chàm là ở đó có cây me.

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN