Phim “Địa đạo”: Kể lịch sử cho những người trẻ

0
24
Phim “Địa đạo”: Kể lịch sử cho những người trẻ
Phim “Địa đạo”: Kể lịch sử cho những người trẻ

“Phim này làm được đấy, kể lịch sử theo cách mới, không giống với kiểu xưa nay, không có cốt truyện, nhưng mà như thế thì giới trẻ dễ xem hơn!” – Đây là nhận xét của một cựu chiến binh Mùa xuân 1975 trong nhà sau khi ra rạp xem bộ phim “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối”. Vậy nên nhà em thấy tự tin hơn khi giới thiệu bộ phim này.

Sau khi đọc bài “rì viu” của chị Thúy, mặc dù thủ trưởng Thái bảo chưa vội, nhưng em thì vội mời các vị cao niên trong nhà đi xem ngay. Trong nghiên cứu khoa học có một phương pháp kiểm tra tính chính xác của kết quả nghiên cứu là mang cho chính đối tượng được nghiên cứu xem và phán quyết. Em làm theo phương pháp này. Mang chứng nhân lịch sử để xem bộ phim Địa đạo có phải là lịch sử hay không.

Bộ phim đã lột tả được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh với bom sôi đạn réo suốt ngày đêm trên mặt đất, đốt nóng cả không gian khiến từ côn trùng đến con người không còn chỗ nào để thở. Nói phần nào vì cụ cựu chiến binh nói “có mấy cái máy bay thế kia thì ăn thua gì, hồi chúng tao đánh nhau, nó bay đến cả đàn đen trời luôn, nhưng chắc đạo diễn tiết kiệm tiền thuê”.  Nhưng vượt lên mọi gian khó, những người du kích Củ Chi kiên gan bám trụ Đất thép, sống, làm việc và chiến đầu dưới lòng đất để đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ tối mật chuyển thông tin tình báo lấy được từ Sài Gòn về cứ.

“Địa đạo” rất coi trọng tính chân thực trong mọi chi tiết, từ bối cảnh tới nội dung. Đội du kích Bình An Đông đã bảo vệ thành công cho nhóm tình báo và truyền tin làm nhiệm vụ, nhưng thành công ấy có sự đánh đổi bằng mất mát, đau thương, hy sinh gần như toàn đội 21 người và phải tự mình giật nổ đánh sập địa đạo. Vì là những người du kích, như chú Bảy Theo nói “du kích mà, chỉ biết đánh đấm vậy thôi”, nên có những lúc chí căm thù cao ngút đã khiến họ có thể không còn giữ được kỷ luật mà vùng lên chiến đấu như nhân vật Lục Tặc, Ba Hiếu bắn xe tăng, hay nghĩ tới việc làm vũ khí mà Tư Đạp vác súng ra bắn máy bay thả bom xăng để lấy nhôm…

Trong mất mát, đau thương là tình người còn mãi. Một đám cưới chớp nhoáng để một đứa trẻ có cha, và người phụ nữ mang bầu được đưa ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhưng tình cảm hàng ngày bị chôn giấu cũng có lúc dữ dội bùng lên. Một ánh nhìn chất chứa, một chút lạc giọng của người cha hiểu rằng con mình đã mất nhưng mình phải tiếp tục chiến đấu. Và hình ảnh cuối cùng đầy tính nhân văn và tinh thần hòa giải, cũng là sự thật trong chiến tranh: một người lính Mỹ bị thương đã được đưa lên bè chuối có khói hiệu thả trên sông Sài Gòn để đồng đội anh ta có thể nhận ra và tới cứu.

Địa đạo chân thực, nhân văn và một bộ phim lịch sử đáng xem cho mọi người!

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN