Ngày 3 tháng 4 (năm nay 2025) giờ Việt Nam (tức ngày 2/4 giờ Mỹ), một bác bạn hốt hoảng nhắn tin:
“Cô ơi! Trump đánh thuế mình 46% rồi kìa!”
Không suy nghĩ nhiều, nhà em thủng thẳng nhắn lại:
“Việc thuế má này không khả thi, không lâu dài được đâu cụ ạ! Bác Năm thích gây sốc để chơi nổi vậy thôi, chứ không hiệu quả.”
Không phải đợi lâu, chưa đầy 24 giờ sau, ông Năm công bố danh sách miễn trừ thuế đối ứng gồm nhiều mặt hàng chiến lược như năng lượng, khoáng sản, hóa chất thiết yếu, vaccine, kim loại quan trọng… nhưng vẫn tiếp tục cứng giọng về việc áp đặt thuế mới.
Một tuần sau đó, khi hạn áp dụng thuế mới 9/4/2025 cận kề, cũng chính ông Năm lại tuyên bố tạo ra khung thời hạn 90 ngày hoãn áp dụng cái mà ông rất cứng rắn trước đó để… đàm phán.
Kịch bản này gần như hoàn toàn lặp lại các diễn biến trước đó khi ông Trump áp dụng bài này với Canada và Mexico. Và lần này, ông ấy cũng gặp được những đối thủ xứng tầm, ứng xử xứng tầm “tit for tat” (ăn miếng trả miếng) như cách Canada đã làm.
Chuyện ông Trump tấn công cả thế giới thì giờ ai cũng biết rồi. Nhưng không chỉ gây hấn bên ngoài, mà ông ấy còn gây lộn trong nước Mỹ trên mọi mặt trận từ trục xuất “nhầm” người nhập cư, tới tước visa của du học sinh, cắt Bộ Giáo dục, sắp bỏ gần 30 đại sứ quán – lãnh sự quán Mỹ tại các nước… và gần đây nhất là tuyên chiến với các trường đại học tinh hoa mà ông là cựu sinh viên (ngành Kinh tế học tại Wharton School, University of Pennsylvania) khi cho rằng họ có tư tưởng “chống Do Thái”, thiên tả và đi ngược lại các giá trị Mỹ.
Chính quyền của ông Trump đe dọa Đại học Harvard sẽ bị cắt tài trợ từ chính phủ nếu trường không thay đổi các chính sách tuyển sinh, tuyển dụng đảm bảo tính đa dạng và bình đẳng mà trường áp dụng lâu nay. Khi Harvard từ chối bị chính quyền Trump tước đoạt quyền độc lập hiến định thì ngay lập tức chính phủ Mỹ đóng băng 2,2 tỷ tài trợ và đe dọa sẽ tiếp tục gia tăng con số này. Trước đó, chính quyền Trump đã hành động tương tự với một đại học tinh hoa khác là Đại học Columbia. Phải chăng tự do, bình đẳng là đi ngược lại giá trị Mỹ như ông Trump nói?
Nói đi nói lại mấy câu chuyện cũ để thấy tính cách hoàn toàn không nhất quán của ông Trump và nó đang tạo ra một chính phủ Mỹ “không thể dự đoán được”, vốn đi ngược lại với mục tiêu kiến tạo môi trường kinh doanh “có thể dự đoán” mà Hoa Kỳ và các nước phương Tây luôn theo đuổi và thúc đẩy trên toàn cầu.
Rõ ràng ông Trump là một người thông minh, nhưng tại sao lại có sự bất nhất như vậy? Có thể là do ông ấy đã không còn nhớ những gì đã học hồi cử nhân ở Trường Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania. Có giả thuyết cho rằng, chiêu “thuế đối ứng” vừa rồi là cách để ông Trump có thể đảm bảo tài chính cho các khoản trái phiếu chính phủ Mỹ sắp đáo hạn, theo nguyên lý là: “thuế đối ứng” tạo ra sự hỗn loạn trên các thị trường chứng khoán như nó đã thực sự tạo ra và mọi người khắp nơi đã thấy; sự bất trắc như vậy sẽ khiến các nhà đầu tư rút khỏi thị trường và tìm tới kênh trú ẩn an toàn nhất là trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau khi thị trường chứng khoán hỗn loại thì thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ cũng trở nên bất ổn ngoài dự đoán ban đầu khi lợi suất trái phiếu tăng quá cao hay giá trái phiếu giảm mạnh cho thấy nhà đầu tư đang chạy khỏi trái phiếu Mỹ thay vì lao vào mua như ông Trump muốn. Vậy là mục đích cuối cùng hút đầu tư trái phiếu mới để đáo hạn các khoản cũ nguy cơ đổ bể nhãn tiền. Và ngay lập tức ông Trump đã phải “quay xe” bằng mở cửa sổ 90 ngày rồi… tính tiếp.
Tài chính là thị trường của lòng tin. Một khi Hoa Kỳ không còn là một đồng minh có thể tin cậy được của nhiều đồng minh truyền thống, thì ai còn có thể tin vào trái phiếu Mỹ?