Nơi tốt nhất để học tiếng Anh; Không chỉ có một cái hồ nước màu hồng trên đất Úc; Lịch sử dọc lối đi bộ; Thời tiết khắc nghiệt làm người ta trở nên thân thiện
Thời tiết chuyển xấu đã trì hoãn chuyến bay trở về Perth của tôi từ 9h50 phút sáng tới tận 3h chiều, nhưng điều đó chẳng thể làm tôi thôi tự hào rằng mình đã đặt chân tới Esperance – một thị trấn xinh đẹp nằm bên bờ Nam Đại Dương (Great Southern Ocean) cách thủ phủ Perth của bang Western Australia khoảng 750km về phía Đông Nam. Trong điều kiện thời tiết tốt bạn cần lái xe khoảng 8 tiếng hoặc bay 1 giờ 40 phút từ Perth để tới thị trấn này.
Sáng hôm sau, khi nghe tôi nói chuyện vừa trở về từ Esperance, một khách hàng lớn tuổi hỏi tôi có biết rằng Esperance trong tiếng Pháp (Espérance) có nghĩa là Hy vọng hay không. Tên vùng đất là do những nhà thám hiểu người Pháp, những người Âu Châu đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này đặt cho. Nơi tốt nhất để học tiếng Anh
Đã quen với không khí văn hóa đa dạng từ Perth tới Sydney hay Melbourne, nên tôi cảm thấy Esperance thật đặc biệt. Trong một thị trấn khoảng 10 nghìn dân, là trung tâm của Hạt Esperance với tổng cộng khoảng 14 nghìn dân, mà trong suốt Hội chợ Nông nghiệp của Hạt tôi thấy thật hiếm có những gương mặt Á Châu hay Phi Châu. Hầu hết cư dân ở đây là người gốc Anh, Irland. Tôi nghe mấy anh chị trong Hội đồng Hạt nói chỉ có một vài người Việt ở đây và họ rất thành công với nghề làm bánh mì. Ngoài ra có một số người Đài Loan làm việc trong các lò giết mổ. Không chỉ có một cái hồ nước màu hồng trên đất Úc
Esperance vốn nổi tiếng là điểm du lịch có bãi biển thuộc hàng đẹp nhất WA. Những bài biển cát trắng nối tiếp nhau dài bất tận được đánh dấu bởi những hàng thông đảo Norfolk xanh tươi cao vút. Thông đảo Norfolk (mà tiếng Việt gọi là cây Bách Tán), được những nhà thám hiểm Âu Châu tìm thấy trên đảo Norfolk trên Thái Bình Dương, áng chừng ngoài khơi mạn Sydney. Họ thích thú với loại cây này và đã mang về trồng dọc bờ biển toàn nước Úc. Nếu như Việt Nam có bờ biển xinh tươi với hàng dừa xào xạc xõa tóc đón bình minh, thì những bờ biển nước Úc lại có vẻ tráng lệ với những hàng thông Norfolk luôn xanh tươi như những nàng những siêu mẫu xinh đẹp chào đón mọi người.
Ngoài ra người ta còn nghe nói ở Esperance có hồ nước màu hồng đặc biệt. Khi tôi hỏi nhiều nhân viên Hội đồng Hạt về cái hồ này thì mọi người nói ở đây có hai cái hồ màu hồng. Một cái trong đất liền cách trung tâm thị trấn chừng vài dặm, nhưng hồ này giờ chỉ là màu nâu thôi, màu hồng là cách đây khoảng 25 năm rồi. Một cái hồ khác thì bây giờ vẫn có màu hồng nhưng mà nó nằm ở Đảo giữa (Middle Island), tức là thuộc quần đảo Recherche án ngữ Vịnh Esperance vốn là nơi sinh sống của hải cẩu.
Trên đường trở về, từ cửa sổ máy bay tôi còn nhìn thấy ít nhất hai cái hồ màu hồng khác nằm ở khoảng giữa đường từ Esperance về Perth (xem ảnh) nằm lọt giữa những nông trang mênh mông bất tận. Lịch sử dọc lối đi bộ
Trong thời gian chờ đợi chuyến bay tôi đã quay trở lại thị trấn và đi dọc đường The Esplanade bên bờ biển. Bờ được kè bằng những tảng đá lớn và tô điểm bằng công viên xinh xắn với nhiều cây hoa bản địa Úc. Đầu đường là cây cầu tàu lịch sử (Tanker Jetty) đã gần 75 tuổi đời, chứng nhân của bao đổi thay ở Esperance. Giờ đây thị trấn đã có cảng mới, cầu tàu mới, nhưng Tanker Jetty vẫn vững vàng đứng đó như một người bạn tâm giao cùng cư dân; sáng sớm ngày Chủ Nhật nhưng tôi thấy nhiều cư dân đi bộ tới đầu kia của cầu tàu, vừa đi học vừa thư thả nói chuyện, nắm tay nhau và ngắm nhìn đại dương và thị trấn.
Thi thoảng dọc lối đi tôi lại thấy có những tấm ảnh được gắn lên đá với vài dòng chữ phía dưới. Tiến tới gần tôi mới nhận ra đó là ảnh về những nhân vật lịch sử, người đã có công khai phá thị trấn này. Rồi có những tấm ảnh nhỏ khác nói về việc những tay săn hải cẩu, cá voi từ khắp nơi trên thế giới đã tới đây từ khi nào, khai thác chế biến chiến lợi phẩm của họ ra sao, đâu là thời gian tốt nhất trong năm để ngắm những loài động vật quý hiếm đó. Quả thực là một cách truyền thông dễ đi vào lòng người! Thời tiết khắc nghiệt làm người ta trở nên thân thiện
Lúc sáng sớm ra tới sân bay thì có một bác là nhân viên đi bộ ra chào tôi và bác lái xe đồng thời thông báo là máy bay sẽ cất cánh chậm, khoảng 11h trưa thì quay lại. Đúng giờ đó tôi lại có mặt ở sân bay, làm thủ tục và vào phòng đợi. Cả phòng đợi khoảng 50 người nhưng tôi chỉ thấy có ba gương mặt Á Châu là tôi và hai bạn có vẻ là người Nam Á.
Khoảng 30 phút sau thì bác nhân viên lúc sáng tiến vào nói xin lỗi mọi người vì hiện máy bay ở Perth không thể xuống được do thời tiết, nên mong mọi người tiếp tục chờ đợi. Hầu hết mọi người cười ồ và quay sang nói chuyện với người thân bên cạnh. Rồi lần thông báo thứ hai, thứ ba, thứ 4. Tới lần thứ 5, bác nhân viên đó nói trong vài phút tới sẽ có mưa đá, nên mong mọi người tiếp tục chờ đợi. Hầu hết vẫn giữ thái độ vui vẻ, và tiếp tục chuyện trò. Quả thực, chỉ ba phút sau là một trận mưa đá trút xuống ầm ầm với những viên đá rỗng đường kính khoảng 1,5 tới 2cm. Mọi người ùa ra cửa đua nhau chụp ảnh và quay phim.
Tới lần thông báo thứ 6 thì mọi người được mời chuẩn bị lên máy bay. Tôi ngồi cạnh một nam hành khách, qua trò chuyện được biết anh là người dân Esperance. Anh cũng nói thêm thời tiết thay đổi liên tục thế này là rất bình thường ở Esperance nên mọi người quen rồi. Có khi các chuyến bay sáng, trưa phải ghép lại với nhau, mọi người chờ từ sáng tới chiều để bay cũng không có gì lạ lẫm.
Lý giải của anh giúp tôi phần nào giải tỏa sự tò mò về việc hầu hết hành khách họ rất bình tĩnh, thân thiện và hợp tác với hãng bay khi liên tiếp được thông tin chậm chuyến do thời tiết.