NGƯỜI KOR Ở TRÀ BỒNG – QUẢNG NGÃI

0
1437
Nguoi Kor Quang Ngai
Anh Hồ Văn Pê-lê ở Trà Thủy, Trà Bồng, Quảng Ngãi

“Sông Trà Khúc ai mà tát cạn
Rừng Trà Bồng ai đẵn hết cây.”

Trà Bồng là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, miền Nam Trung Bộ của Việt Nam. Rừng Trà Bồng giờ vẫn nhiều cây, rất nhiều cây keo hết lớp này thay thế lớp khác, thay cho rừng nguyên sinh xa xưa. Giữa núi trập trùng và rừng keo bạt ngàn đó có những thôn xã của người Kor sinh sống. Kor là một tộc người nhỏ, với dân số khoảng 33 nghìn người, và cư trú chủ yếu tại Quảng Ngãi. Nghe nói xưa kia người Kor sống trong những nhà sàn dài có khi hàng trăm mét, và mỗi làng chỉ có một nóc nhà.

Nguoi Kor Quang Ngai
Nhà sàn phỏng theo nhà dài xưa

Không còn nhà sàn dài truyền thống

Đi theo tiếng gọi của “truyền thuyết”, hôm nay người viết cất công lên Trà Bồng để tìm ngôi nhà sàn dài huyền thoại. Đến thị trấn Trà Xuân, người viết lân la hỏi thăm xem ở đâu có nhà sàn người Kor, thì các bạn trẻ ở đây nói không thấy cái nào hết. Thôi thì đành đánh liều đi tìm tiếp, đi thêm mấy cây nữa thì bỗng nhìn thấy có hai chị trông giống người dân tộc đang ngồi ăn sáng trước cửa nhà. Thế là người viết kêu bác tài dừng ngay lại để tiếp cận quý nhân.

Nguoi Kor Quang Ngai
Nhà cửa và đường làng người Kor

Phần lớn hộ dân chưa có nhà vệ sinh

Lân la đôi ba câu với chị Hiền và chị Phương thì anh Quang Hải chạy tới. Vị trí họ đang ngồi đúng là một thôn của người Kor. Ba anh chị nói chuyện rất cởi mở, thật tình. Người Kor ở đây chủ yếu làm công cho các chủ rừng trồng keo, như trồng cây mới, làm cỏ lúc cây còn nhỏ và chặt thu hoạch khi cây đã được trên 5 tuổi. Giữa câu chuyện, người viết định tìm nhà vệ sinh thì hay tin “sét đánh” là bà con ở đây chỉ dùng loại “nhà cầu thiên nhiên”. Điều này được khẳng định chắc chắn khi chúng tôi đi thêm dăm sáu cây nữa và lạc vào thôn 3, xã Trà Thủy. Ngay cả điểm trường tiểu học ở đây có xây nhà vệ sinh nhưng không dùng được vì không có nước. Cả thầy cô và trò đều đã luyện thành công môn võ “nhịn” từ lúc đến trường tới lúc về nhà.

Nguoi Kor Quang Ngai
Trong lớp 3 của thầy giáo Thế, toàn học sinh người Kor, ở Trà Thủy

Chỉ còn chút ít đặc trưng văn hóa được phục dựng

Ở cả hai nơi, chúng tôi chỉ đứng nói chuyện mấy phút thôi là đã xuất hiện các anh công an thôn xã tới hỏi thăm về việc tới đây làm gì. Khi biết chúng tôi chỉ là những khách du lịch yêu văn hóa dân tộc thì các anh vui vẻ chỉ dẫn thêm cho điểm nên đến là một thôn văn hóa còn di sản văn hóa của người Kor. Đó là thôn 2 cùng xã Trà Thủy. Cách đây mấy ngày, cả thôn mới đâm hai con trâu, cả làng ăn ba ngày mới hết. Địa điểm đâm trâu nằm giữa làng, nơi có một nhà văn hóa bê tông mái ngói phỏng theo nhà sàn xưa. Ở giữa đường làng, trước nhà sàn, là một cây nêu cao tới mười mấy thước, được trang trí hoa văn, các vòng tròn lớn có chuông gió bằng tre nứa nhỏ gắn xung quanh tạo nên bản nhạc vui bay khắp làng. Ở cuối làng còn có một cây nêu khác thấp hơn.

Nguoi Kor Quang Ngai
Cây nêu giữa làng người Kor

Người Kor vốn không có họ, nhưng giờ đây họ mang những họ chủ yếu là họ Hồ, họ Phạm và họ Huỳnh (theo họ cụ Huỳnh Thúc Kháng). Ngoài trồng keo, người Kor vẫn giữ nghề truyền thống là trồng quế, lúa và một số cây hoa màu khác. Các thôn làng hiện nay có kiến trúc hoàn toàn giống nhà người Kinh, với nhà xây mái ngói và đường bê tông. Riêng nước sinh hoạt được dẫn từ trên nguồn vào các “bi” (ống bê tông), rồi đưa về nhà bằng các ống nhựa. Một số gia đình khá giả đã bắt đầu xây dựng bể nước tại nhà.

Nguoi Kor Quang Ngai
Buổi sáng thanh bình của hai cụ già người Kor

Được chứng kiến cuộc sống tươm tất của người Kor là một niềm vui, nhưng người viết cũng có phần tiếc rẻ khi những dấu ấn văn hóa dân tộc còn lại mờ nhạt quá!

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN