Cách đây mấy ngày người viết có cơ hội được lần đầu tiên đi bắt ghẹ ở sông Swan cùng mấy người bạn. Ở Úc rất nhiều người dân có thú vui đi câu cá, bắt ghẹ, bắt cua, bào ngư như một cách giải trí.
Tuy nhiên nhà nước quy định rất nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường. Ví dụ như để bắt bào ngư thì dân phải mua giấy phép 40 đô la để được bắt 5 lần, mỗi lần không quá 8 con; mỗi người không được bắt quá 10 con ghẹ mỗi lần, ghẹ phải đạt được đủ kích thước 12.7cm giữa ngạnh và không phải là ghẹ đang có trứng; cá cũng chỉ được bắt khi đủ kích thước và không có trứng. Việc bắt phải được thực hiện bằng những dụng cụ thủ công chứ không phải cứ giăng lưới rồi quét một mẻ như thường thấy như ở nhà.
Hôm nay có lẽ vẫn là đầu mùa nên một hồi lâu chúng tôi kéo lồng lên chỉ được ghẹ “thiếu nhi” và đều thả trở lại sông. Bỗng một anh trong nhóm reo lên vui mừng vì được một con khá to; một anh có nhiều kinh nghiệm trong nhóm nói con này đủ kích thước và bỏ vào thùng. Bỗng đâu một bạn nữ trong số hai bạn Úc đứng bên cạnh đang câu cá quay sang và nói rất to “No, that one is small, you can’t take it”.
Anh bạn trong nhóm cầm cái thước chuẩn cỡ ghẹ được bắt tới và nhấc con ghẹ trong thùng ra đo cho bạn ấy xem con đó đủ lớn. Bạn nữ Úc kia nhất định không chịu, nói tiếp “No, not that one. The other one in the bucket””. Chiều lòng bạn ý và cũng là để chứng minh mình vô tội, anh bạn đã lần lượt lấy từng con ghẹ đã bắt được trong thùng rồi đo cho bạn kia xem. Kết quả là tất cả đều đủ tiêu chuẩn được bắt.
Đến đây bạn nữ Úc đó quay sang cười trừ “Just to make sure that you get the right one”.
Thực tế là nếu bạn cố tình bắt con không đủ chuẩn thì một trong số những bạn kia sẽ âm thầm gọi cảnh sát tới để bắt bạn tại trận và tặng cho cái giấy phạt vài trăm đô.
Hẳn là người bị chất vấn cũng có đôi chút khó chịu. Nhưng chúng tôi đều đồng ý với nhau là nhờ có những người dân nhiệt tình và chính trực như thế mà cảnh sát Úc rất nhàn nhã mà vẫn quản lý trị an xã hội hiệu quả.