“Con để cái bát xuống ngay cho mẹ, vỡ bây giờ!”
“Thôi, thôi, để xuống cho tôi. Làm không nên hồn rồi lại mất công tôi đi dọn.”
Đó là những câu nói rất dễ nghe được trong nhiều gia đình có con nhỏ. Ông, bà, cha, mẹ thường sợ các con còn lóng ngóng, vụng về chẳng thể làm được việc gì. Vậy nên người lớn ôm hết việc về mình và luôn bảo bọc con cháu từ xúc cho ăn tới xỏ dây giày hay mặc quần áo…
Nhiều bạn bè hay nói với người viết rằng chưa có gia đình thì có kinh nghiệm gì mà dám nói chuyện nuôi trẻ con. Người viết thì nghĩ quan sát trẻ con xung quanh cũng là cách tốt để rút ra nhiều bài học thú vị. Đây là những chuyện có thật về một cậu bé sống cùng nhà.
Chuyện số 1:
Cách đây hơn một năm, khi đó Nam gần sáu tuổi và bắt đầu học tiểu học, có một lần người viết “giao việc” cho cháu hàng ngày trên đường đi học về thì kiểm tra hộp thư ngoài đầu ngõ. Cu cậu vốn rất rụt rẽ, hay sợ bị bố mắng vì học bài hay quên. Ấy vậy mà kể từ hôm đó ngày nào đi học về cậu cũng làm nhiệm vụ xem thư. Có hôm trời sắp mưa, bà ngoại giục cậu đi nhanh về nhà, nhưng cậu nhất định phải xem hộp thư có gì không rồi mới chịu về. Không những thế, cậu còn kiêm luôn “bưu tá”, đoán tên người trên thư (vì tên không có dấu và thường ghi họ) rồi chia tới tận phòng hoặc đưa tận tay.
7-Principles-of-Teaching-Children-to-Do-Housework
Nguồn: http://www.preparents.com/wp-content/uploads/2015/04/7-Principles-of-Teaching-Children-to-Do-Housework.jpg
Chuyện số 2:
Nhân có sinh nhật một cháu bé trong xóm, người viết nhờ Nam “tư vấn” xem nên tặng em bé đó quà gì một ngày trước đó. Cậu có vẻ suy nghĩ rất nghiêm túc về việc được nhờ giúp đỡ và nói “Cháu nghĩ là nên tặng em ấy một món đồ chơi. Còn đồ chơi gì thì để cháu nghĩ thêm.”
Hôm sau người viết rủ cậu đi ra siêu thị gần nhà. Trước khi ra khỏi cửa, cậu còn dặn dò em trai năm tuổi là: “Em ở nhà, anh đi chọn quà hộ cô Liên. Em còn bé không đi được.” Tới cửa siêu thị là cậu dắt người viết đi thẳng tới khu vực đồ chơi và gợi ý vài món. Có một món người viết có vẻ ưng ý nhưng cậu bảo “Cái này nhiều hạt nhỏ không được, em ấy có thể nuốt và bị nghẹn”. Cậu cũng nhìn giá tiền và bảo món này đắt hay món kia rẻ. Sau nửa tiếng thì hai cô cháu cũng chọn được một cặp búp bê ưng ý và an toàn cho trẻ con.
Chuyện số 3:
Người viết đang ngồi ăn tối thì thấy hai anh em Nam chạy xuống chuẩn bị ăn cơm. Người viết nói cậu đi lấy bát đũa chuẩn bị cho cả nhà. Thế là cu cậu bắt đầu nhẩm đếm xem nhà có mấy người, cần mấy cái bát cộng thêm một cái bát dư ra. Cậu cẩn thận bê từng bát đặt lên bàn, chia theo vị trí ngồi của bà, bố mẹ và hai anh em. Rồi cậu đi tìm đũa và xếp mỗi đôi lên một bát. Sau đó cậu kéo thêm ghế cho đủ mỗi người một ghế. Có lẽ đây là lần đầu tiên cậu hoàn thành một việc “trọng đại” như thế này, cậu rất vui!
Trẻ con có thể làm được nhiều việc hơn là người lớn nghĩ. Nếu người lớn cứ sợ các con làm hỏng và ngăn không cho làm, đó là cách tốt nhất mà người lớn tước đi quyền được lớn của trẻ. Khi được người lớn tin cậy, các con sẽ mạnh dạn thể hiện bản thân và làm tốt nhiều việc vừa giúp các con trưởng thành vừa giúp người lớn bớt bận rộn.
Hãy trao cho trẻ con niềm tin để thấy chúng thực sự là những “siêu nhân”!

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN