Bạn muốn con mình thông minh? Bạn muốn con mình giỏi giang? Bạn muốn con mình thành đạt? Có bậc cha mẹ nào lại không muốn “những thiên thần” của mình có được những điều tốt đẹp ấy.
Bởi vậy suốt thời thơ ấu của con, nhất là mỗi dịp nghỉ hè, các ông bố bà mẹ trẻ lại chạy đôn chạy đáo đi tìm trường, tìm lớp, tìm thầy tốt nhất cho con từ những môn học cơ bản, tới các môn năng khiếu và rèn luyện kỹ năng. Nhưng đôi khi trong hành trình hối hả ấy, họ lại quên đi điều gì là tốt nhất và làm con cái hạnh phúc nhất.
1.     Đừng tìm thầy để dạy con trở thành “thiên tài”
Vì đơn giản, thiên tài thì không cần học như người thường mà vẫn xuất chúng về lĩnh vực họ được trời ban. Không ai có thể đào tạo được thiên tài!
Việc cho con học rất nhiều môn là một việc làm vô cùng hữu ích khi các bậc cha mẹ coi đó là cơ hội để tìm hiểu con mình thực sự hứng thú và có khả năng về lĩnh vực nào nhất, từ đó giúp con tập trung phát triển năng lực. Tuy nhiên điều không vui là nhiều ông bố bà mẹ luôn kỳ vọng con mình “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý’’, nên ngay cả khi các cháu cảm thấy quá sức thì vẫn ép các con phải học. Điều này gây tổn hại ghê gớm vì nó làm các cháu mất đi cơ hội đạt được thành tựu tốt nhất và mất đi cơ hội được sống hạnh phúc!
Vậy nên, bố mẹ cũng đừng tin vào những chia sẻ kinh nghiệm như “ăn gì khi mang bầu để con bạn thành thiên tài”, hay “tôi đã dạy con như thế nào để cháu thành thiên tài”.
2.     Hãy xem họ làm, đừng nghe họ nói!
Có một cô giáo nọ được mọi người có quan hệ sơ giao rất kính trọng vì mỗi lời cô thốt ra như hoa như ngọc, chứa chan sự thánh thiện và tình thân ái. Vậy nên nhiều người muốn cho con, cháu mình được làm học sinh lớp cô chủ nhiệm. Nhưng khi con, cháu vào học lớp cô rồi họ mới thảng thốt nhận ra sự thực!
Cô muốn mọi học sinh trong lớp phải đi học thêm trong lớp riêng của cô. Ai không đi học thì làm bài dở cô cho điểm thấp đã đành, nhưng dù làm bài tốt vẫn bị cô chì chiết, mắng mỏ, đay nghiến thay vì ghi nhận hay khen ngợi.
Vì sao cô đó có thể giữ vỏ bọc hoàn hảo lâu như vậy? Vì những học sinh và phụ huynh những học sinh bị cô phân biệt đối xử chỉ âm thầm chịu đựng, nên làm sao những người sơ giao có thể biết được con người chân thực của cô.
3.     “Giáo sư online” kiêm quảng cáo bán hàng
Thời đại công nghệ thông tin đã biến internet thành công cụ cung cấp thông tin phổ biến nhất và ít được kiểm chứng nhất. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận sức mạnh của internet trong việc chia sẻ kinh nghiệm về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, trong đó có giáo dục con cái.
Có lẽ khát khao con được thành công quá lớn làm nhiều cha mẹ quay cuồng giữa những trào lưu nay thì dạy con theo kiểu Nhật, mai thì kiểu Do Thái, ngày kia thì theo kiểu Mỹ mà quên mất con mình là ai và đang sống ở đâu. Hơn nữa, thành quả của giáo dục chỉ đạt được bằng thời gian và sự kiên trì, sự thay đổi chóng mặt cách thức giáo dục không thể đem tới một kết quả tốt cho các con.
Mạng xã hội cho mọi người đều có cơ hội trở thành “giáo sư” giảng dạy một điều gì đó. Đây là sức mạnh tuyệt vời của công nghệ khiến tri thức loài người được lan tỏa, nhưng cũng tạo ra một ma trận những sản phẩm kém chất lượng chỉ nhằm mục đích thương mại. Quảng cáo sản phẩm không sai! Nhưng nhân danh giáo dục – từ thiện để bán hàng thì đó là giả dối.
Bố mẹ có muốn thiên thần nhỏ bé của mình ngay đầu đời đã được giáo dục bằng sự giả dối?
Nếu không muốn thì bố mẹ cần đặt con mắt “nghi ngờ” lên tất cả những thứ xung quanh mình! Nghi ngờ không phải để bài bác, nghi ngờ là để tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định.
Thầy cô giáo không chỉ là người dạy kiến thức mà còn có ảnh hưởng to lớn tới sự hình thành nhân cách của con trẻ. Sự lựa chọn thông minh của cha mẹ sẽ giúp các con có cơ hội hình thành những nhân cách tốt đẹp!

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN