Hai câu chuyện này xem ra chẳng liên quan gì. Ấy nhưng trong thế giới ngày nay những thứ tưởng như vô can lại rất liên can! Chẳng phải nước Anh ở xa tít mù mà chỉ một kết quả hỏi ý kiến người dân của họ cũng làm thị trường chứng khoán Việt Nam có lúc giảm tới 34 điểm – công sức tích lũy của bao nhiêu tuần mới được đó sao!
“Mối thâm tình” giữa mẹ chồng – nàng dâu tồn tại trong hầu hết các xã hội từ Đông sang Tây, nhưng là một hiện thực đặc biệt điển hình trong những xã hội gia trưởng (người đàn ông làm chủ gia đình và toàn quyền quyết định mọi việc) như các nước châu Á. Mối quan hệ ấy thông thường không được tốt đẹp, nhưng việc dứt bỏ nó lại không hề dễ dàng.
1.     Ấm ức lắm vì mong đợi nhiều
Có một cặp anh chị nọ được mai mối cho nhau. Nhà gái được biết gia đình anh này có nhà xây hai tầng to, bố mẹ họ hứa hẹn sẽ tìm việc làm cho chị kia sau khi kết hôn, rồi sẽ coi chị kia như con gái thì mừng thầm gia đình này hẳn khá giả lắm, con gái mình vào đó sẽ sung sướng. Mẹ đàng trai thì đinh ninh rằng chị kia một thân một mình không vướng bận gì lại đi làm liên tục bao năm chắc hẳn có “nhiều vốn liếng”. Đám cưới nhanh chóng diễn ra. Và cũng rất nhanh chóng sau đám cưới mẹ chồng chì chiết con dâu vì công ăn việc làm không ổn định và không có tiền, con dâu đay nghiến mẹ chồng vì vừa cưới xong đã được “trao tay” cục nợ tiền xây nhà. Hóa ra là cả hai đã “tưởng” về nhau quá nhiều điều không có thực!
Thế giới hẳn đã rất ngạc nhiên khi có nhiều người Anh vừa ủng hộ rời EU hôm trước, hôm sau lại khóc nức nở vì khả năng Anh sẽ phải rời EU. Trước khi bỏ phiếu họ tưởng rằng họ sẽ không phải đóng góp cho EU, không phải tiếp nhận người nhập cư mà vẫn được tự do đi lại và tự do làm ăn buôn bán tại các nước trong liên minh. Không hiểu sao họ có thể “tưởng” về điều đó khi mà câu nói “No free lunch” là một thành ngữ tiếng Anh.
2.     “Quyền dân chủ” bị bỏ quên
Kết quả trưng cầu dân ý gây nhiều tranh luận vì tỷ lệ 72% cử tri đi bầu và 52% ủng hộ rời EU, suy ra chỉ có chưa tới 40% cử tri ủng hộ, tính trên tổng dân số thì tỷ lệ ủng hộ còn thấp hơn nhiều. Người viết đã cố tìm kiếm nhưng không thấy con số thống kê nào về tỷ lệ cử tri thực sự đi bỏ phiếu chia theo độ tuổi, nhưng thông thường người trẻ ít đi bỏ phiếu hơn người lớn tuổi, và nếu điều này là sự thực ở Anh thì khả năng đảo ngược tình thế nếu có một cuộc trưng cầu dân ý lần hai càng được củng cố vì những người muốn Anh ở lại EU chủ yếu là những người trẻ tuổi.
Có một người Anh nói dù nghĩ Anh sẽ vẫn là thành viên EU thôi nhưng anh bỏ phiếu rời EU vì cho rằng chỉ một lá phiếu của mình sẽ chẳng làm thay đổi gì cả. Sự tự phủ nhận khả năng ảnh hưởng của bản thân mình không phải là điều gì lạ lẫm trong nhiều nền dân chủ. Ngay như khi “đồng tiền đi liền khúc ruột” là đại hội cổ đông của các công ty cổ phần thì một thống kê năm 1999 cho thấy chỉ có 80% số cổ phần tại Mỹ tham gia biểu quyết, tỷ lệ này tại Cananda là 70%, Đức là 40%, Hà Lan là 10%1 và thậm chí tại Nhật các công ty hầu hết đồng loạt tổ chức đại hội cổ đông trong một ngày và kéo dài từ nửa giờ tới một tiếng. Tỷ lệ bỏ phiếu tại châu Âu thấp như vậy vì cổ đông ở đó nghĩ rằng họ chẳng thể thay đổi điều gì. Nhiều người Anh trẻ tuổi có lẽ cũng đã thờ ơ với lá phiếu của mình để giờ đây họ bắt đầu hoảng hốt.
Ở bên kia của lục địa Á – Âu, nhiều nàng dâu chỉ biết mang ấm ức của mình đi làm bom nổ trên facebook, kể lể trên các mục tâm sự-chia sẻ, than thở với mẹ đẻ-chị em gái- bạn gái- đồng nghiệp nữ, khi đối mặt với mẹ chồng thì vẫn im lặng như không có gì xảy ra. Họ từ bỏ quyền đối thoại với mẹ chồng để ấm ức cứ kéo dài và mối quan hệ thì không có ai cố gắng cải thiện cho tốt hơn. Họ cũng nghĩ rằng mẹ chồng ngần ấy tuổi rồi, thay đổi làm sao được, nói ra lại càng làm mất lòng nhau, rồi mang tiếng là “dâu hư” nữa!
 3.     “Khủng hoảng” để bắt đầu đối thoại trung thực
Nhưng ngày nay sức chịu đựng của các nàng dâu hẳn không bằng các cụ ngày xưa. Dù đã nhiều lần tự ru mình rằng “thôi im cho yên cửa yên nhà” nhưng bất đồng ngày một bồi đắp thì đến một lúc các nàng cũng muốn điên cái đầu mà nổ tung ra. Có nàng nổi đóa bắt chồng dù khổ cũng phải ra ở riêng, thuê nhà cũng được, ở riêng để được tự làm mọi việc theo ý mình, nuôi dạy con mà không phải nhìn thái độ của ai, được đi sớm về khuya mà không bị ai đe nẹt. Sau một hồi đi tìm nhà để thuê nàng mới biết là ra riêng sẽ rất nhiều cái khổ: phải trả tiền thuê nhà, không có người trông con cho thì phải thêm khoản thuê người giúp việc, mà người giúp việc thì không yên tâm lại không ổn định, tự mình sẽ phải làm nhiều việc nhà hơn, rồi chồng không ưng bụng thì hai vợ chồng sẽ chẳng vui vẻ gì. Mất mấy tuần cân nhắc thiệt hơn, nàng lại thấy mẹ chồng mình dù có đôi lúc hay để ý nhưng lại giúp mình đỡ được bao nhiêu là việc, rồi ngoài lúc ấy ra thì bà cũng là người tốt, có thể do mẹ con chưa thẳng thắng nói chuyện nên chưa hiểu ý nhau mới ra như vậy. Nàng quyết định sẽ cởi mở hơn để cải thiện quan hệ với mẹ chồng, cũng là cho mình thời gian suy nghĩ và chuẩn bị xem có ra ở riêng không!
Sau giây phút lịch sử công bố kết quả kiểm phiếu ủng hộ rời EU với tỷ lệ sít sao, người Anh mới cuống cuồng tìm hiểu hệ quả có thể xảy ra và biết rằng họ không chỉ được mà còn mất nhiều thứ. Họ không phải đóng góp cho EU nhưng sẽ không còn quyền tự đi lại và thâm nhập thị trường. Họ bắt đầu đổ lỗi cho những người lãnh đạo chiến dịch vận động rời EU đã lừa dối họ bằng những thông tin sai lệch về việc chỉ được mà không mất gì. Chính phủ của đảng Bảo Thủ và Công Đảng đối lập thì thấy mình đã làm chưa đủ để người dân Anh thấy được cái giá của việc rời EU. Giờ đây, mọi thông tin đã trở nên chân thực và đầy đủ hơn, người dân cũng bình tĩnh hơn để đánh giá tình hình.
Chưa có bất kỳ quyết định mang tính pháp lý nào khởi động cho việc Anh rời EU được đưa ra. Đây là thời gian để cả dân chúng và hệ thống chính trị tự quyết định mình thực sự muốn điều gì và buộc phải dũng cảm lên tiếng – hành động vì điều mình muốn.
Khủng hoảng không phải là dấu chấm hết cho một mối quan hệ, nó là cơ hội để các bên liên quan dũng cảm đối thoại và hành động một cách thực chất hơn để cùng đạt được lợi lích tốt nhất. Bên muốn ở lại tập trung vận động người trẻ tuổi, điều chỉnh chính sách để người già thấy ít bị thiệt thòi hơn và kể cả thương thảo với EU để điều chỉnh một số chính sách; bên muốn đi nhận thấy khả năng hiện thực hóa lời hứa của mình quá mong manh sẽ phải thỏa hiệp để giữ lại chút uy tín của mình với cử tri nhằm duy trì sinh mệnh chính trị của mình. Với bản tính thực dụng, họ sẽ không “ly hôn” dù bằng con đường của một cuộc trưng cầu lần hai hoặc không hành động xa hơn, để kết quả dân ý lần một trở thành điểm cuối của cuộc tranh luận.
Khi các nàng dâu và mẹ chồng cũng linh hoạt như các nhà chính trị kia thì chắc hẳn mọi căng thẳng đều sẽ tìm được một lối thoát! Kết quả tốt đẹp hơn chỉ đạt được khi cả hai bên cùng thay đổi!
 Ghi chú:
1.     Corporate Governance Update. Corporate Governance: An International Review, trang 225, Volume 7, Number 2, tháng 4, 1999.

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN