“Tôi muốn ôm ghì bãi san hô
Vang vọng về con sóng Bạch Đằng giang.”1
Đây là lời bài hát “Bâng khuâng Trường Sa”2 mà các đoàn công tác ra quần đảo miền biên thùy này thường nghe và hát không nghỉ trong suốt hải trình chục ngày đêm. Khi chưa đến đảo, người viết nghĩ chắc nhạc sỹ chỉ dùng hình ảnh ước lệ lịch sử vậy thôi. Nhưng không, có một Bạch Đằng thực sự ở Trường Sa!
Da Lat
Hàng rào cọc quanh đảo Đá Lát
Tất cả các đảo chìm và một số đảo nổi mà người viết có may mắn đi qua đều được bao bọc bởi một hàng rào cọc bê tông lớn nằm nghiêng chừng 450 so với mặt biển và chĩa đầu cọc ra ngoài biển. Bắt gặp hình ảnh ấy, một người dân Việt với hiểu biết sơ đẳng về lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc chắc hẳn sẽ liên tưởng tới “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”3, tới chiến công ba lần đại phá quân Nguyên Mông của triều Trần vào thế kỷ 13 mà ở đó những dàn cọc nhọn làm từ thân cây lớn vừa ẩn dưới làn nước bỗng chốc vươn mình đứng dậy xé toạc tàu chiến của giặc xâm lăng khiến chúng thất bại thảm hại. Người viết không biết rõ về ý nghĩa của những hàng rào cọc bê tông kia, nhưng dường như chúng đang đảm đương sứ mệnh mang tinh thần Bạch Đằng Giang tới Trường Sa!
Dalat
Ai cũng biết linh hồn của ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông là người anh hùng dân tộc Quốc Công Tiết Chế – Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn. Giờ đây bóng dáng Người đang hiện diện ở Trường Sa qua những tượng đài ở Nam Yết, Song Tử Tây hay tượng của Người trong chùa ở đảo Trường Sa Lớn.
Không chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc, Người còn là một vị tướng thương lính, yêu dân. Dù “Binh Thư Yếu Lược” bản gốc đã thất truyền, nhưng người đời tin rằng trong cuốn binh thư đó Người đã nói rằng “Biết mình biết người, trăm đánh trăm thắng. Nuôi khí lực của dân, định tâm chí của quân, đó gọi là biết mình. Xét tình hình quân địch, đó gọi là biết người.”4 Công lao của Người quá vĩ đại, tình yêu thương của Người quá mênh mông đã thấm vào lòng người dân Việt bao thế hệ và họ đã tôn Người thành bậc Thánh nhân, vua cha như sự coi trọng đặc biệt mà Đạo Mẫu dành cho Người:
“Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”
(Tháng 8 là dịp kỵ (giỗ) Đức Thánh Trần, tháng Ba là giỗ Mẫu Liễu Hạnh. Đây là hai dịp lễ hội lớn nhất năm của người người theo Đạo Mẫu với nghi lễ hầu đồng ở các trung tâm Đạo Mẫu như Phủ Tây Hồ ở Hà Nội, Đền Trần ở Nam Định, đền Kiếp Bạc ở Hải Dương và các đền, phủ khắp các tỉnh thành).
Điều đặc biệt thú vị là Trần Hưng Đạo được tôn làm Thánh Tổ của lực lượng Hải Quân thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Họ cũng tổ chức cúng giỗ Người vào tháng 8 âm lịch. Ngày nay khi đi ngang bến Bạch Đằng ở thành phố Hồ Chí Minh mọi người dễ dàng nhận ra tượng đài của Người đứng nhìn ra bến. Khu vực đường Tôn Đức Thắng bên cạnh tượng đài từng là đại bản doanh của lực lượng hải quân vừa nói ở trên.
IMG_2011
Sự yêu kính mà nhân dân dành cho Người đã vượt qua mọi ranh giới về tư tưởng. Sự hiện diện của Người dù ở đâu cũng làm cho người dân thấy thêm vững tin. Ở Trường Sa cũng vậy. Người đứng đó như giúp cho quân dân trên đảo “xét tình hình quân địch”, lại như đang “định tâm chí của quân” và làm tăng tiến khí lực của nhân dân. Người đứng đó phù độ cho non sông, để những chiến thắng như Bạch Đằng Giang không chỉ là lịch sử!
Con đứng dưới chân Người mà tưởng như đang nghe lời Hịch4 còn vang vọng trên sóng biển Đông!
DaTay
Đường vào đảo Đá Tây
Chú thích:
  1. Bài hát “Bâng khuâng Trường Sa”: Nhạc – Lê Đức Hùng, phỏng thơ Nguyễn Thế Kỷ
  2. Thám Hoa Giang Văn Minh
  3. Mục Chiến lược – Chương “Chọn tướng” – Quyển thứ nhứt – sách “Binh Thư Yếu Lược” – bản dịch của Nguyễn Phước Hải – Mã Nguyên Lương – Lê Xuân Mai – NXB Khai Trí – 1969 – Sài Gòn.
  4. Tức “Hịch Tướng Sỹ”
 ·       Ảnh bìa: Người viết dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo trên đảo Nam Yết
SHARE
Bài trướcHÁT QUỐC CA Ở ÚC
Bài tiếp theoBẦU CỬ Ở ÚC

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN