Từ đầu tháng 4, các kênh truyền hình Úc luôn phủ kín những hình ảnh và thước phim về những cuộc chiến mà binh sĩ Úc đã tham gia. Không cần nói thì ai ở Úc cũng hiểu 25 tháng 4 này là một ngày kỷ niệm đặc biệt quan trọng với người dân Úc, 100 năm ANZAC Day (1915 – 2015), ngày kỷ niệm các liệt sỹ, thương binh và cựu binh. Tháng 4 này cũng có một ngày lễ đặc biệt lớn tại Việt Nam, Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng 30/4/1975. Chắc hẳn ai cũng biết Úc là một trong các nước đồng minh của Mỹ có gửi quân tham chiến ở chiến trường miền Nam. Sự trùng hợp này đã thôi thúc tính tò mò của tôi muốn tìm hiểu vì sao nước Úc gửi quân ra nước ngoài và cách mà người dân bình thường ở xứ sở Bạch Đàn nhìn về chiến tranh. Cuốn sách “The Australian Classic Kokoda” của Peter Fitzsimons đã cho tôi những câu trả lời cốt yếu nhất.
1. Ba lý do người Úc tham chiến:
– Đáp lại tiếng gọi của Đất Mẹ Anh Quốc: “Khi Đất mẹ Anh Quốc lên tiếng gọi, thì những người con trai, con gái ở khắp nơi trên mặt địa cầu sẽ đáp lời” (Fitzsimons). Đây là lý do những người lính Úc tham chiến tại châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ, Malya, Burma trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất (The Great World) và Thế chiến thứ Hai (WWII). Trước năm 1942, một số bộ phận của quân đội Úc còn nằm trực tiếp dưới sự chỉ huy của tướng lĩnh Anh.
– Nghĩa vụ cam kết với các nước đồng minh: Như khi họ gửi quân tới Iraq, Afghanistan hay Việt Nam.
– Bảo vệ nước Úc trước họa xâm lăng: Điều này nghe có vẻ xa lạ với nhiều người vì hình như nước Úc với vị trí xa xôi tách biệt chưa bao giờ bị tấn công. Nhưng sự thực là quân Nhật đã từng tấn công bằng không lực xuống cảng Darwin vào năm 1942, đổ bộ lên lãnh thổ Papua New Guinea khi đó dưới quyền cai quản của Úc. Cuộc chiến Kokoda ở Papua New Guinea được coi là chiến thắng bảo vệ tổ quốc đầu tiên của người Úc, là lần đầu tiên quân Úc bảo vệ lợi ích của nước Úc chứ không phải vì một ai khác. 2. Trên chiến trường và người ở lại: Những câu chuyện giống nhau đến kỳ lạ ở hai đất nước xa cách nhau qua hai miền xích đạo
Những ký ức về chiến tranh chưa bao giờ cũ ở Việt Nam. Khi đọc những câu chuyện dưới đây, chắc hẳn nhiều người sẽ thấy có cái gì đó thật quen thuộc, hình như đã đọc, đã nghe ai kể đâu đó.
– Có hai đứa trẻ ở Melbourne đang theo học ở một trường đạo. Một buổi sáng năm 1943, tới lớp, chúng nói với một ma sơ rằng mấy ngày nay trong nhà chúng bỗng xuất hiện một người đàn ông lạ mặt, lúc nào cũng thân mật với mẹ chúng ngay cả khi ở trong phòng ngủ của bà.
Sự thực người đàn ông đó chính là người cha ra đi chiến đấu từ khi chúng còn nhỏ xíu nên không nhớ mặt.
– Một buổi sáng 1943 ở ngoại ô Sydney, bà mẹ đẻ và chị gái tới gặp một phụ nữ và nói rằng họ mang tới một tin không tốt. Không cần hỏi gì thêm, người phụ nữ thốt lên: “Anh ấy hy sinh rồi phải không!”.
– Trên chiến trường Kokoda (Papua New Guinea) năm 1942, một người lính Úc bị Nhật bắn trọng thương cả hai chân. Anh lấy vải quấn hai chân lại rồi tự mình bò trên con đường rừng lầy lội đầy gai góc để lui về phía sau, từ chối lên cáng vì anh nghĩ rằng nhiều đồng đội bị thương nặng hơn và cần được cáng hơn mình.
– Những chàng trai Úc trẻ trốn gia đình khai tăng tuổi để nhập ngũ. Những người đàn ông Úc sợ bị “chê” già, khai giảm tuổi để được tòng quân. Họ ra đi từ nông trang, hầm mỏ, nhà máy, cửa hàng, văn phòng.
– Khi họ nằm xuống, trong ký ức của đồng đội, họ mãi mãi là những “laughing kids”, “mãi mãi tuổi 20”. Những năm về sau, những người lính cũng cố tìm lại nhau, gặp mặt, ôn lại kỷ niệm, gây quy để lập những đài tưởng niệm tại nơi đồng đội họ đã hy sinh.
Nếu như ở những người lính Việt Nam có “Tình đồng đội” thì những người lính Úc cũng có một thứ tình cảm gọi là “mateship”.
Xem ra nếu xét về tình người trong chiến tranh thì chúng ta giống nhau nhiều hơn là khác biệt!