What a cultural shock! Chỉ có thể nói là “sốc” quá đi mà!
Nhiều người bảo Việt Nam giờ Tây hóa nhiều, ngày lễ Giáng sinh, nhiều người không theo Đạo cũng đổ xô ra đường và tới nhà thờ. Nhưng kể từ buổi tối Giáng sinh đầu tiên trên đất Tây Úc ngày hôm qua, tôi đã đặt một “mối nghi ngờ to tướng” lên cái nhận định đó.
Mấy tuần lễ trước Giáng Sinh, và ngay cả ngày hôm qua, không khí mua sắp ở các trung tâm thương mại vô cùng tấp nập. Ai ai cũng hối hả khuân vác cả đống quà tặng, đồ trang trí nhà cửa cùng đồ ăn thức đựng… Họ hối hả như người Việt chuẩn bị Tết ta vậy. Nhìn cái không khí ấy, tôi chắc mẩm đêm Giáng sinh ở đây chắc sẽ sôi động không kém gì. Mang bao nhiêu háo hức trong lòng, cùng một số người bạn, tôi hăm hở lên kế hoạch đi chơi vào buổi tối.
Ban đầu, tôi dự định sẽ cùng mọi người đi tàu, vì lo ngại vào Perth CBD sẽ rất đông và không có chỗ đậu xe. Sau đó cả đám đánh liều, quyết định chạy xe, vào đó nếu không có chỗ đậu thì sẽ chạy lòng vòng đi về. Nhưng khi tiến vào cái bãi xe vốn dĩ ngày thường cực kỳ đông đúc ở sau Perth Concerth Hall, cả đám sững sờ khi nhìn thấy chỉ vài ba chiếc xe lác đác. Băng qua Perth Concert Hall lên St. George Terrace, cảnh tượng cũng không có gì khá khẩm hơn. Trừ tòa nhà City Council lung linh trong ánh đèn đổi màu liên tục và những “cánh chim đèn” bay dọc con đường, tôi không thấy màu sắc Noel ở đâu khi mà trên đường chỉ lác đác vài xe chạy. Cú sốc số 1!
Không tin vào mắt mình, mấy bạn cùng đi nhất quyết đi vào mấy con phố trung tâm nhất, Hay Street và Murray Street xem có gì hay hơn không. Vốn dĩ đây là hai con phố đi bộ với các trung tâm thương mại chen nhau đứng kín mặt đường và dưới các tầng hầm. Nhưng trời ơi, bao nhiêu sự đông vui, náo nhiệt, ồn ào trước đó đã biến mất hoàn toàn. Chỉ còn lại một không gian tĩnh mịch chìm đắm trong đêm dưới ánh đèn đường. Cú sốc số 2!
Hay là mọi người đã về nhà thờ hết cả? Chúng tôi tự hỏi. Thế là cả nhóm lại hăng hái tiến về St. George Cathedral để tìm câu trả lời. Giữa đường đi, chúng tôi nghe thấy chuông nhà thờ đổ dồn những hồi liên tiếp dường như không dứt. Cả đám tự tin mình đã đúng, chắc sẽ có những cảnh tượng rất hoành tráng và đông vui ở khu vực nhà thờ. Khi chỉ còn cách nhà thờ vài bước chân, tôi không thấy đám đông ồn ào nào cả. Ngay trước cửa vào cũng chỉ có lẻ tẻ vài người. Tôi không biết mình có được vào trong thánh đường không, vì tôi không phải là người Công giáo. Nhưng một bạn đi cùng bảo cứ vào đi, không sao đâu. Tôi bước vào mà lòng hồi hộp vì đây là lần đầu tiên tôi bước vào một nhà thờ, lại vào một thời điểm mà khi chưa sang đây tôi cho rằng nó vô cùng thiêng liêng và quan trọng. Sau khi đã yên vị ở hàng ghế cuối cùng, mọi nghi ngờ của tôi được sáng tỏ hoàn toàn. Nhà thờ không quá rộng, tôi nghĩ có đủ ghế ngồi cho khoảng 150 người, nhưng vẫn còn rất nhiều ghế trống dù giờ làm lễ đã tới. Cả nhà thờ nói chung và khu vực altar ở trung tâm được trang trí rất giản dị. Thậm chí bên ngoài nhà thờ còn không hề giăng đèn kết hoa như cảnh tượng thường thấy ở Việt Nam. Cú sốc số 3!
Nhà thờ KHÔNG đèn hoa rực rỡ!
KHÔNG ồn ào náo nhiệt!
KHÔNG chen lấn xô đẩy!
KHÔNG mấy bóng người trên phố!
Không hiểu người dân ở đây họ đi đâu hết vào đêm Giáng Sinh?
Tôi còn nhớ những đêm Giáng sinh ở Hà Nội là nườm nượp dòng người đổ ra về phía Nhà thờ Lớn; là Bảo Khánh, là Bờ Hồ không cần bước cũng bị đám đông đẩy cho đi; là nhà hàng quán xá đông nghịt không còn một chỗ trống và rất nhiều người đứng đợi; là các nhà thờ dù ở phố lớn hay thôn quê đều chật kín nam thanh nữ tú dắt tay nhau trong “Đêm Thánh vô cùng”.
Ở đây, đêm Giáng sinh là một sự im lặng tới vô cùng!