Tòa giám mục Buôn Ma Thuột
Tòa giám mục Buôn Ma Thuột
*Tên một bộ phim truyền hình phát trên VTV3 vào năm 1996
Cả vùng Tây Nguyên rộng lớn được học ra rả từ hồi tiểu học tới cấp ba và nghe qua đài qua báo với những “Rừng Xà Nu”, “Bóng cây Kơnia” hay “Đất nước đứng lên…”, nhưng mấy chục năm qua người viết mới chỉ chạm chân tới miền nam Tây Nguyên là Lâm Đồng. Bởi vậy, lần đầu tiên bước đến “trái tim của Tây Nguyên” – tỉnh Đăk Lăk – quả thật gây ra nhiều sự hồi hộp với bao dự định khám phá!
Vừa ra khỏi cái nắng mùa khô của Sài Gòn, hành trình chỉ 30 phút thực bay đã mang người viết tới một vùng khí hậu khác hẳn, lộng gió và mát mẻ với một chút se se.  Đang dừng chân hít thở trước cửa sảnh đến thì một chị gái quát hỏi có đi taxi không, nghe đáp “có”, chị liền bảo đi ra ngoài lề đường đợi. Lúc sau có xe 7 chỗ tới, chị gái nói lên xe đó đi. Yên vị trên xe và bác tài cũng tăng ga, nhả phanh thì bỗng chỉ chạy được mấy bước bác tài dừng lại, mở cửa bước xuống “hốt” tiếp khác khách là hai bố con. Thật là ngạc nhiên! Lần đầu tiên trong đời thấy có taxi đi ghép do tài xế “tổ chức” như vậy. Thấy thế, người viết hỏi đi ghép vậy thì tính tiền thế nào; bác tài nói “thì mỗi người bớt đi chút! Ngày tết không có xe”. Đoạn vừa đi bác vừa “đ* má” liên tục về những chuyện không liên quan gì tới ba khách trên xe, nhất là khi đi phải những đoạn cấm đường phục vụ bắn pháo hoa, như thể ai hành gì bác vậy!
Cảm giác không được thoải mái với bác tài bớt đi phần nào khi những cơn gió cao nguyên mát rượi lồng lộng thổi ngang các cửa sổ xe mở toang. Trung tâm Buôn Ma Thuột đêm Ba Mươi không quá ồn áo chen lấn. Anh chị em ngồi la liệt trên các vỉa hè “nhậu tất niên” bằng trà sữa, các loại chè, cà phê, hải sản, các món ăn vặt và các món thực nhậu khác. Một cảm giác bình yên và dễ chịu! Cảm giác dễ chịu tăng thêm với cô chú chủ khách sạn cực kỳ chu đáo và dễ thương!
Tuy nhiên, trong ba ngày ở Buôn Ma Thuột, người viết lại “không may” gặp phải một số tình huống không được dễ thương cho lắm.
Sáng mùng Một ra ngã sáu Tượng đài chụp kiểu ảnh làm kỷ niệm, anh thợ chụp nháy cái xong bảo chị ra ghi giấy trả tiền. Theo thói quen nghề nghiệp, người viết hỏi kiểm tra ảnh và thật “hãi hùng” khi thấy mình đen xì một cục trong ảnh vì ngược sáng. Anh thợ ảnh nói “không sao đâu, cho vào máy chỉnh sáng hết”. Người viết chuyển vị trí và yêu cầu anh đó chụp lại. Đến tối tới lấy ảnh thì phát hiện ra người mình dính vào chiếc xe máy chạy ngang qua. Thật là một thợ ảnh và một tiệm ảnh “có tâm” nhất Tây Nguyên!
Nghe nói Buôn Mê có món đặc sản cà đắng của người Ê đê. Người viết rất hào hứng vào hàng và gọi món gỏi cà đắng. Đĩa gỏi cà và cá cơm khá đầy đặn và đẹp mắt, nhưng nếm thử không thấy đắng gì cả. Người viết hỏi bạn phục vụ sao bán cà đắng mà ăn không đắng. Thay vì trả lời câu hỏi thì bạn ấy cứ nhất định nói “Cà đấy đắng lắm, chị không ăn được đâu. Đắng lắm!”. Người viết cũng nhất định “Ông bán cà đắng thì cứ mang đúng cà đắng, còn ăn được hay không là chuyện của tôi”. Cuối cùng thì anh bán hàng cũng thú nhận “nhà em không có cà đắng chị ạ”. Còn món cơm lam mà anh đó bán thì chuẩn cơm nếp nặn hình trụ rồi dính vào mảnh nứa rồi mang ra khò cho cứng mặt, chuẩn “xôi chiên” đầy dầu mỡ.
Trong một diễn biến khác, trên con đường rong ruổi, người viết đi qua “Bảo tàng cà phê thế giới” của Trung Nguyên trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Không thấy biển “cấm” nên cứ thế đi vào xem sao. Mấy khu nhà trung tâm cách cổng vào chừng 300 mét. Khi thấy bóng các ngôi nhà có kiến trúc lạ mắt hiện ra thì cũng là lúc một anh bảo vệ phi tới đuổi khách như đuổi tà “Đi ra, đi ra đi chị! Đi ra đi! Người ta chưa cúng kiếng mở hàng mà vào gì!”  Sau đó thì anh bảo vệ phi ra cổng để “bao” đuổi khách từ cổng.
Xả rác xuống sàn tại quán vỉa hè ở Buôn Ma Thuột
Cũng trên con đường rong ruổi, người viết tạt vào một hàng vỉa hè góc đường Quang Trung – Phan Chu Trinh, đối diện cổng phụ nhà thờ Thánh Tâm để ăn thử món bún riêu Buôn Mê. Hóa ra món này rất khác bún riêu miền Bắc hay miền Nam, không có những tảng gạch cua mà là viên thịt – tôm; nước cũng không có vị chua. Có lẽ do hàng vỉa hè nên khâu vệ sinh không tốt. Sau vài phút ăn là thực khách thấy đau bụng tức thì. Vội vàng đi tìm kiếm và tỉnh cả người khi nhìn thấy cái nhà vệ sinh công cộng ở gần đầu đường sách, nhưng lại run cả người khi phát hiện ra cả hai cánh cửa đều khóa chặt (có lẽ do nghỉ tết?!). Tình trạng mất vệ sinh tràn lan trên phố, cứ điểm nào buổi tối là hàng ăn thì ban ngày nước thức ăn thừa, dầu mỡ két trên mặt vỉa hè và bốc mùi hôi.
Xả rác xuống sàn tại quán quán ăn trong nhà ở Buôn Ma Thuột
“Điểm nhấn” mạnh mẽ xuyên suốt ba ngày ở Buôn Mê là “tập tục” xả rác xuống chân khi ăn của đồng bào người Kinh. Nạn xả rác xuống chân xảy ra từ quán vỉa hè cho tới quán trong nhà, từ lõi thành thị tới nông thôn, từ quán ăn tới quán nhậu. Khách ngồi đâu là giấy trắng cả dưới chân. Điều ngạc nhiên không kém là nạn này lan tới cả nghĩa trang Thành phố Buôn Ma Thuột với quy hoạch rất đẹp, các ngôi mộ đá hoa cương lộng lẫy, nhưng hành lang giữa hai dãy mộ lại tràn ngập rác là túi nilon đựng đồ lễ.
Rác tại nghĩa trang thành phố Buôn Ma Thuột
Rác tại nghĩa trang thành phố Buôn Ma Thuột
Bên cạnh nhiều điều “bất tiện” cho một du khách vừa nói, thì Buôn Mê Thuột vẫn có muôn vàn những điều đáng yêu. Ngoài thời tiết mát mẻ và khô ráo, nơi đây còn có bầu trời xanh và nắng vàng bất tận, chỉ cần giơ máy lên là có ảnh đẹp lung linh. Buôn Ma Thuột còn có sân bay xanh nhất Việt Nam với hàng cây sao che rợp lối vào, cách mảnh “rừng” nhỏ bao quanh và nhà vệ sinh sân bay có cửa sổ trời tràn ánh nắng và cây. Buôn Ma Thuột có những bác tài xế Grab dễ thương và chu đáo. Cuối cùng, Buôn Ma Thuột có một công trình kiến trúc, dù là thiết kế của một kiến trúc sư người Áo, nhưng lại thành công nhất trong việc lấy âm hưởng nhà dài của người Ê-đê, làm bằng gỗ, đó là Tòa giám mục giáo phận Buôn Ma Thuột. Đây là công trình kiến trúc đẹp nhất, mang biểu tượng địa phương hoàn hảo nhất trong khu vực trung tâm thành phố và là điểm mà không khách du lịch nào nên bỏ qua.
Đường vào sân bay Buôn Ma Thuột

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN