Đi Hà Nam trông thi

0
1378

18:08 4 thg 9 2007Công khai0 Lượt xem3

Viết từ Phủ Lý, ngày 4 tháng 9 năm 2007

Nhận lịch đi Hà Nam 2 ngày được mấy tiếng đồng hồ thì đồng chí Đ đi cùng hí hửng báo tin “tôi rủ được lão C đi thay bà rồi”. Mình yên tâm lắm. Chiều thứ Hai gọi điện xem bác C ở đâu để qua đưa đề thi thì bác ấy mới ngớ người ra là đi những hai ngày. “Vợ sắp vỡ chum thế này, đi ngày làm sao được”. “A suy nghĩ 10 phút đi rồi trả lời em”. “Hỏi ý kiến vợ rồi, không đi được”. Thế là xong. Lại phải đi.

5h sáng thứ 3, các bậc phụ huynh đã gọi dậy, còn sợ mình đi muộn hơn cả mình. Nằm cố một lúc đến 5h20’ mới ra khỏi giường. Đánh răng, rửa mặt, thay đồ, không ăn sáng rồi đi ra bến xe. Sáng mùa thu trời lạnh thật. Đi ra đường rét run cả người. Ra đến chỗ đợi xe buýt, mấy bác xe ôm cứ hỏi có đi đâu không. Trời sớm tinh sương, đường xá vắng vẻ. Mình ngồi như “dân tị nạn” với túi đề thi, túi xách lỉnh kỉnh ở cột đợi xe.

Đợi đến 15 phút thì thấy đèn xe buýt xa xa. Hí hửng tưởng xe 206 đi Hà Nam, đứng dậy sửa soạn, nhưng cuối cùng là 2 con xe Hà Nội – Thường Tín. Một cha xe ôm còn doạ mình “hình như xe Hà Nam vừa đi qua đấy”. Thêm 10 phút nữa cũng có một bác 206 lù lù xuất hiện.

Bước chân lên xe, không khí vắng tanh, chỉ có mấy người từ Hà Nội xuống. Tuyến đường này mình đi quá nhiều lần rồi nên không định ngắm nghía gì cả, mặc dù nhìn ngang ngó dọc khi ngồi trên xe là sở thích của mình. Lúc tỉnh, lúc ngủ, cuối cùng cũng tới Phủ Lý. Xe gì mà chạy nhanh thế, mới có 7h kém 15. Có khi phải thuê nhà nghỉ để ngủ đợi đến giờ thi cũng nên. Nhưng thôi, cứ đi vào trường cho yên tâm. Xe dừng ở bến nằm dưới chân cầu Hồng Phú bắc ngang sông Đáy. Một chú xe ôm chạy tới. Xe ôm ở đây có vẻ hiền lành chất phác, chỉ hỏi khách đi đâu mà không lôi chân, kéo tay, xách đồ như ở chỗ mình. Trong lúc mình hỏi đường, hỏi tiền xe ôm thì mấy tay lái xe, phụ xe buýt bảo “em về đâu để anh đưa ô tô chở về, đi xe ôm phải hết 30 nghìn đấy em ạ”. “Bơm Hà Nội tốt nhỉ, cảm ơn nhé”. Chú xe ôm bảo về trường đó hết 10 nghìn. Chưa biết đường xá thế nào nên mình đồng ý luôn. Hoá ra là phải quay ngược lại một chút, cũng không xa lắm. “Thế anh có giảm giá không?”. “Đi thế là rẻ rồi, Bọn sinh viên trường Cao đẳng phát thanh đi gần hơn mà cũng 10 nghìn đấy”. “ Thế thì xe ôm Hà Năm đắt hơn cả xe ôm Hà Nội”. “Uh, nhiều người cũng bảo thế”. Đấy, các bác lưu ý nhé, đi xe ôm ở Hà Nam mất nhiều tiền hơn ở Thủ đô của chúng ta!

Mình hỏi bác bảo vệ có phải mấy lớp của trường TM mở ở trường này không. “Đúng rồi”. “Cháu ở trường TM xuống cho các anh chị thi mấy môn”. “Thế thì mời cô vào trong”. Phải công nhận là mình chưa thấy ở đâu mọi người đi làm sớm như ở đây. Mới có 7h kém buổi sáng mà từ quản lý đến nhân viên đã có mặt, người ngồi nghĩ ngợi, người quét sân, người hút thuốc lào… Mình đưa cho đồng chí phụ trách mấy tài liệu của Trường, thảo luận một chút về lịch thi. Một lúc sau đồng chí phụ trách đã gọi được 2 bác lớp trưởng đến. Hai đồng chí ấy bảo không biết số điện thoại của cô để ra tận bến xe đón. Chưa thấy ai có ý định phục vụ mình nhiệt tình như thế! Thảo nào mọi người ngày xưa rất thích đi tỉnh. Nhưng mà làm vua như thế thấy mệt chết người. Tự tung tự tác vẫn thích hơn.

Khốn một nỗi là lớp lại học và thi ở địa điểm khác, nên cuối cùng các bác ấy vẫn phải chở mình đến chỗ thi. Mấy bác ấy đội mũ bảo hiểm đầy đủ lắm. Mình ngồi trên một con xe 82 đèn vuông. Có khi phải nửa thập kỷ nay mình không ngồi lên một con xe như thế. Thấy cũng thú vị thật. Lần này lại lộn lại, qua cầu sang bên kia thị xã, vào Trường dạy nghề tỉnh Hà Nam.

Phòng học ở đây lịch sự thật, trông cứ như phòng họp của trường mình vậy. Bàn ghế kiểu cách ra trò, lại còn toàn đồ gỗ. đúng là dùng cho “lãnh đạo” đi học. Chị quản lý lớp quát học viên như thể họ là học sinh phổ thông vậy. Buồn cười quá.

90 phút trôi qua, cả lớp đã làm xong và nộp bài, chỉ còn hai chị. Hai bác này dây dưa đến 30 phút nữa mới chịu thu. Sao lại giống cái lớp CH14L nhà mình thế.

Thế là xong một ca!

Đến tiết mục về nơi nghỉ trưa. Xe của lớp 37B chở mình về Khách sạn Hoà Bình, đường Trần Phú, Phủ Lý, Hà Nam. Tel : 0351.851.005. Fax : 0351.851.610. Lôgô của khách sạn in hình một chú chim câu trắng bay trên quả địa cầu màu xanh và dòng chữ Hoà Bình. Người phục vụ dẫn mình vào một cái nhà phía sau, phòng tầng 2. Đứng trước cửa phòng, rồi bước vào phòng, mình quyết định phải lục trí nhớ để xem lại mấy cái khái niệm cơ bản về khách sạn mà mình biết trước đây. Mấy hôm nữa phải nhờ chị Yến và anh Hùng bổ túc lại mới được. Hình như là những gì mình học được đã quá cũ. Thôi, cũng chẳng sao, chỉ ở một lúc buổi trưa thôi mà.

Được một lúc thì đồng chí Đ rủ đi ăn cơm. Mình định lang thang ra ngoài nhưng đồng chí ấy bảo « tôi cam đoan với bà là quanh đây chỉ có mỗi cái nhà ăn của khách sạn này là được thôi ». Thế là đi vào nhà ăn. Một bầu không khí tôi tối, ẩm thấp ; một mùi nồng nồng làm mình nhớ tới nhà ăn ĐH KTQD và cái nhà hàng ở Lào Cai hôm CH14L đi Sapa. Gọi cơm xong, gọi đồ uống thì ở đây chỉ có Cocacola lon và nước tăng lực. Người ta mang cơm ra, chưa bao giờ mình nhìn thấy loại gạo có thể thổi ra cơm đen như ở đây. Không biết gạo đen hay là do trời tối, nhưng rõ ràng là mình thấy cơm rất đen.

Cơm nước đầy đủ rồi mình quyết định ra sông xem thế nào, vì lúc trước trông qua thấy cũng hay hay. Cuộc thả bộ bắt đầu từ cầu Hồng Phú tới cầu Phù Vân. Bờ sông được kè và con đường trên đó được xây dựng rộng rãi, trông khá hoành tráng. Đi trên con đường này có thể ngắm toàn bộ đoạn sông Đáy nơi đây. Hai bên bờ sông mọc đầy rau muống và bèo tây. Trên một góc sông là một làng chài nhỏ với những gia đình sống trong những chiếc thuyền bê tông. Phía xa xa, một anh chài đang giăng lưới. Anh cứ giăng chỗ này rồi lại dùng chân chèo thuyền qua chỗ khác giữa đoạn hợp lưu giữa hai nhánh sông. Đến chỗ các bậc thang bắc xuống sông, mình dừng lại, bước xuống xem hai người đang bắt ốc. Ốc nhồi ở đây rất nhiều và to. Chỉ cần nhấc các đám bèo và rau muống lên là có thể nhặt được một cách dễ dàng. Mình tự hỏi, không biết đây có phải là loại ốc mà các nhà hàng vẫn quảng cáo là « chính hiệu Hồ Tây » hay không ! một cô bé chèo thuyền chở một chị, một xe đạp, một bao tải ốc rẽ bèo và rau muống tiến vào các bậc thang. Chị này cho hay đỉa ở sông Đáy cực kỳ « khát máu », đã bậu vào người thì đố mà gỡ ra được làm anh chàng bắt ốc phải nhảy lên bờ xem xét xung quanh chân. Mình lên bờ trên đi tiếp. Được một đoạn nữa bỗng ngửi thấy một mùi rất khó chịu. Ngó quanh ngó quất mới phát hiện ra là có một dòng nước thải chảy ào áo xuống sông và đó là nước thải của Nhà máy bia Sài gòn – Hà Nam (Nager Beer) ngay gần đó. Có lẽ da thịt bọn trẻ con làng chài ở đây thơm ngào ngạt mùi bia cũng nên ! Đã chạm chân cây cầu nhỏ, cuộc hành trình dọc bờ sông Đáy kết thúc. Mình vẫn còn cảm thấy gió lạnh trên sông.

Con đường về chắc là ngắn thôi vì mình đã nhìn thấy một cổng của khách sạn quay ra sông. Nhưng khi hỏi đi tắt lối nào thì anh nhân viên nói phải đi qua nhà máy bia. Lòng vòng một hồi cũng tìm ra một ngách nhỏ nối giữa hai nhà. Hoá ra nhà máy bia và khách sạn nằm sát cạnh nhau. Nằm trong phòng mình mới cảm nhận rõ điều này. Máy móc của nhà máy bia chạy ầm ầm, thi thoảng gió lại còn mang hương bia vào phòng mình nữa chứ. Chẳng là mấy cái bồn chứa nằm ngay cạnh cửa sổ.

Ôi, không biết có phải tại mùi bia không mà mình buồn ngủ quá. Không biết có dậy được để trông ca thi chiều nay không !

P.L.

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN