Theo chân đoàn công tác số 6, người viết được tới thăm hai trong số ba đảo có các hộ dân sinh sống là Sinh Tồn và Trường Sa lớn (đảo còn lại là Song Tử Tây). Mỗi đảo có bẩy hộ dân được quy hoạch sống trong một dãy nhà liền kề (có đầy đủ phòng khách, bếp, khu vệ sinh, 2 phòng ngủ, sân và vườn phía sau) kế bên là trường học, nhà văn hóa. Vậy nên việc đưa đón con em tới trường rất thuận tiện. Mỗi đảo có một trường tiểu học khang trang, nơi các thầy giáo kiêm dạy cả bậc mẫu giáo và tiểu học; hết lớp 5 các em phải vào đất liền để học tiếp.
4
Các em bé ở Trường tiểu học Sinh Tồn
Có một chút khác biệt giữa nhóm trẻ ở hai đảo. Ở Sinh Tồn, nét hồn nhiên chất phác nở rạng trên gương mặt tất cả các em. Các em cũng có thể cãi vã nhau, đánh lộn nhau ngay cả khi có khách tới thăm. Trên đảo Trường Sa, các bé từ nhỏ tới lớn thể hiện rõ là những đứa trẻ được giáo dục kỹ càng. Các bé ở đây rất lễ phép, nói thưa dịu dàng và bạo dạn khi tiếp xúc với khách. Khi có một em gọi một bạn là “mày”, lập tức mấy em khác nói to “không được gọi là mày, phải kêu là bạn”. Có lẽ điều này là do các em ở Trường Sa Lớn có cơ hội giao lưu và tiếp xúc với khách lạ nhiều hơn hẳn các em ở các đảo khác.
3
Các bà mẹ Trường Sa bên khu nhà ở
Các đoàn ra thăm thường mang tặng các em rất nhiều đồ chơi, bánh kẹo. Đời sống vật chất của các em tương đối đầy đủ. Nhưng điều đó không khỏa lấp được những thiệt thòi của các em so với bạn bè trong đất liền. Bánh kẹo nhiều nhưng các em thiếu trái cây/hoa quả. Một bà mẹ trên đảo Sinh Tồn nói: “Nhiều khi muốn kiếm cho mấy đứa chút trái cây mà không kiếm đâu ra! Ở đây chỉ có mấy cây trứng cá à!”. Trường học có nhưng các em không được ba mẹ dẫn đi công viên, đi siêu thị hay đơn giản là đi chơi nhà ông bà nội ngoại. Tuổi thơ các em cũng thiếu những “trận chiến ác liệt” từ đầu làng tới cuối xóm với đám bạn cùng lứa (cả đảo chỉ có chừng chục em thuộc nhiều lứa tuổi).
5
Dưới bóng cây Tra đảo Trường Sa Lớn
Sự thiệt thòi không làm các em vơi đi tình yêu với đảo quê hương. Hai ngày sau khi trở về từ Trường Sa, người viết có cơ hội được gặp gỡ với hai em vốn là những em bé đầu tiên ra sống ở Trường Sa, nay các em đang nhận học bổng từ Quỹ Vừ A Dính – Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” và xa gia đình để học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiền và Huyền học hết lớp 5 ngoài Trường Sa thì quay lại đất liền, đến lớp 7 thì các em được nhận vào học ở trường Hồng Hà (quận Tân Bình) và hiện giờ hai em đang học lớp 9. Hai cô bé dễ thương này đang ấp ủ những mơ ước được trở lại đảo Sinh Tồn, Song Tử làm việc sau này. Huyền mong trở thành một hướng dẫn viên du lịch để đưa du khách tới Trường Sa; còn Hiền rất muốn trở thành một cô bộ đội giữ đảo, nhưng do mắt của em hơi kém, không đủ tiêu chuẩn làm quân nhân, nên giờ em muốn học về kinh tế để làm giàu cho đảo quê hương. Trong một chương trình gặp gỡ của Quỹ, tất cả bạn bè và quan khách đã không ngăn được sự xúc độc khi nghe Huyền hát bài “Gần lắm Trường Sa” với tất cả sự hồn nhiên và thổn thức.
1
Cùng em Huyền và Hiền – Những đứa trẻ đầu tiên ra sống tại Trường Sa nhiều năm trước
So với những em bé người viết được gặp trên đảo, giờ đây Hiền và Huyền đã trưởng thành, chững chạc lên rất nhiều, như bất kỳ em bé thành phố nào khác. Các em có ước mơ và đang đi từng bước tới ước mơ đó. Điều đáng vui mừng là Trường Sa là một phần ước mơ của các em, ước mơ góp sức cho Trường Sa được thanh bình và giàu đẹp.
6
Những em bé Trường Sa hôm nay

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN