Người ta vẫn thường nghe nói “rừng xanh núi thẳm” hay “rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”. Nhưng ở Úc rừng còn có một màu sắc khác – Rừng đen.
Nhân có hai người bạn từ Sydney sang chơi Perth, chúng tôi đã làm một hành trình vòng quanh vùng Tây Nam của bang Tây Úc, từ Perth đi dọc Albany Highway xuống Albany – thủ phủ săn cá voi một thời, sau đó men theo South Coast Highway qua Denmark, tới Augusta – nơi Nam Đại Dương và Ấn Độ Dương hòa chung dòng nước, ngược lên phía Bắc tới Margaret River – thủ đô rượu nho của Tây Úc, ngược tiếp tới Busselton- nơi có cầu tàu bằng gỗ dài nhất nước Úc, qua Bunburry và trở về Perth.
Suốt hành trình gần 1.200 km, cũng giống như bao lữ khách khác, mắt tôi mở to đầy kinh ngạc trước cây cầu đá khổng lồ (Natural Bridge) và nhà máy điện gió (Wind Farm), trước cây khổng lồ ở Valley of Giants, trước hải đăng Leeuwin hay Busselton Jetty. Nhưng điều làm tôi thán phục nhất là hình ảnh chồi non lộc biếc đâm ra từ những thân cây màu đen đúa của tro tàn.
Nắng nóng, khô hạn và cháy rừng là “đặc sản” của nước Úc. Mỗi khi hè đến, cả nước lại ở trong tình trạng cảnh báo cao độ về nguy cơ cháy rừng; hướng dẫn tự giải cứu khi cháy rừng xảy ra giăng khắp các nẻo đường. Nhưng người Úc vẫn sống và làm việc chung với những nguy cơ đó, cũng như cây rừng Úc vẫn tiếp tục vươn cao dù có từng bị thiêu rụi.
Dọc theo quốc lộ bên bờ nam, chúng tôi đã đi qua hàng trăm cây số giữa hai bên chỉ có rừng và rừng. Có chỗ cây xanh mướt, nhưng tại nhiều chỗ khác, toàn bộ cánh rừng là một màu đen từ mặt đất tới đỉnh trời; cây nào cũng cháy, cây nào cũng đen. Sau mỗi trận cháy, không còn chiếc lá nào sống sót, chỉ còn thân cây và cành khẳng khiu, nhưng cây vẫn âm thầm sống, âm thầm chắt chiu từ lòng đất cằn cỗi để rồi một ngày lá sẽ lách vỏ cháy chui ra, rồi lớp vỏ cháy đen bị lột đi, dần trả lại màu trắng vốn có của cây họ bạch đàn.
Cứ như thế, rừng lại xanh, cây lại cao cũng như người Úc chưa bao giờ bị khuất phục bởi thiên nhiên khắc nghiệt!
Hải đăng ở Mũi Leeuwin – Nơi hai đại dương gặp nhau