MẪU HỆ NGƯỜI CHĂM VÀ TÀU NGẦM CAM RANH

0
2035
Tác giả và ba chức sắc người Chăm Bàni
Vừa đọc tiêu đề chắc nhiều bạn đọc đã kịp “lo lắng”: Cô thì biết gì về tàu ngầm mà “chém gió”! Hai chuyện này chẳng có gì liên quan đến nhau cả!…
Ấy thế nhưng xin thưa hai vấn đề này lại hết sức liên quan!
Nói về tàu ngầm, trên cái phương tiện lạnh lùng thô ráp, những “hố đen” dài chừng bảy chục, rộng chục mét ấy, chứa toàn hệ thống hỏa lực (tên lửa hành trình đối hạm, tên lửa phòng không, ngư lôi… để tìm diệt mục tiêu là tàu ngầm, tàu nổi và các phương tiện thủy khác) lại có tới mấy chục các anh em thủy thủ làm việc liên tục, có những hành trình dài tới 45 ngày. Môi trường chật hẹp toàn nam giới ấy có bị “dương khí” quá mức không? Làm sao để cân bằng âm dương? Thì ra đấng mày râu, những người làm ra con tàu đã mang tới một không gian đầy nữ tính bằng cách đặt cho những trang thiết bị trong tàu những cái tên là danh từ giống cái (vì lý do “bí mật” nên chưa thể tiết lộ trong bài viết này). Các thủy thủ nói điều này làm họ có cảm giác đi đâu trên tàu cũng gặp phụ nữ vậy. Tàu ngầm dường như là một vùng “cấm địa” với phụ nữ tại hầu hết các quốc gia. Khi người viết hỏi một thủy thủ về điều này thì nhận được câu trả lời không thể đáng yêu hơn: “Không phải tàu ngầm cấm phụ nữ, mà là điều kiện di chuyển trong tàu rất vất vả cho phụ nữ nên không khuyến khích!”. Trên thực tế, hải quân Hoa Kỳ đã dỡ bỏ “lệnh cấm vận” phụ nữ lên tàu ngầm vào năm 2010, và họ đã thiết kế lại hệ thống trang bị trên tàu để thân thiện hơn với nữ thủy thủ. Rõ ràng, đọc tên các thiết bị thì tưởng là “Tây Lương Nữ Quốc”, nhưng thực chất đó lại là nơi đế chế nam quyền tuyệt đối đang tồn tại.
Bên trong một tàu ngầm

Nguồn: https://www.naval-technology.com/projects/kilo/

Nhìn về phía còn lại, người Chăm hiện đại là con cháu của vương quốc Chăm Pa cổ xưa với lịch sử phát triển gần 1600 năm (năm 192 tới đầu thế kỷ 19) trước khi trở thành một phần của đất nước Việt Nam. Người Chăm vẫn duy trì chế độ mẫu hệ như một nét văn hóa lâu đời. Thoạt nghe mẫu hệ, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc phụ nữ có quyền sinh quyền sát mọi việc, giống như trong chế độ gia trưởng – ông bố chủ gia đình có toàn quyền quyết định. Nhưng những cuộc nói chuyện với đồng bào Chăm đã giúp người viết mở rộng tầm mắt. Khi người viết tới chơi nhà, các ông chồng tiếp khách, còn các bà vợ lo sửa soạn nước non, mang bánh mời khách rồi rút vào hậu trường. Xã hội mẫu hệ nhưng lịch sử Chăm Pa chỉ có các vị vua chứ không thấy nữ hoàng. Xã hội mẫu hệ nhưng các vị trí chức sắc đều do nam giới nắm giữ. Vậy thực chất mẫu hệ ở đây là gì? Luật tục này xuất phát từ quan niệm “Phận của đàn ông là chiến đấu, phận của đàn bà là sinh nở”. Người Chăm đề cao vai trò của người phụ nữ trong phạm vi gia đình và dòng họ. Phụ nữ cai quản gia đình, còn đàn ông toàn quyền cai quản xã hội. Đàn ông lấy vợ thì theo về ở nhà vợ – ly hôn thì ra đi tay trắng, con cái thì theo dòng mẹ, quyền thừa kế tính cho con gái, việc tang ma cũng theo dòng mẹ. Ngoài những việc “theo vợ” này ra, đàn ông Chăm cũng là trụ cột kinh tế gia đình, cũng tham gia dạy dỗ con cái như trong các xã hội phụ hệ. Người Chăm tự hào vì sự “phân công lao động” xã hội này, tự hào rằng họ đã sớm có một xã hội bình đằng với phụ nữ từ xa xưa. Vậy bản chất tính mẫu hệ ở đây là sự cân bằng tính nữ cho một xã hội mà đàn ông mới chính là rường cột.
Căn cứ hải quân tốt hạng nhất thế Cam Ranh nằm trên vùng đất của nước Chăm Pa cổ (kéo dài từ Quảng Bình tới Đồng Nai và vùng Tây Nguyên). Không biết có phải vì thế hay không mà cả những con tàu ở đây cũng chia sẻ “tính nữ” trong một môi trường thực sự nam quyền với đồng bào Chăm.
Tài liệu tham khảo:
Phan Văn Dốp, Phan Quốc Anh, Nguyễn Thị Thu (Chủ biên). 2014. Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận. Tp. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Nông nghiệp.

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN