Trước lúc sinh con, bu cháu cứ nghĩ chắc sau sinh sẽ viết mỗi ngày một bài, vì nuôi con nhỏ thì thiếu gì chuyện để viết. Ấy thế mà mười tháng rồi hóa ra bu cháu cũng chẳng nhiều chuyện, mới viết được bài này là kỳ số 5 của “Hành trình lo” (tới già chưa hết).
Thực tình chắc sẽ không có số 5 này nếu không có kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ vừa qua. Số là từ khi cháu ra đời tới giờ, chưa lúc nào mà bu cháu không có người hỗ trợ từ bà ngoại, các bác trong nhà, tới các bác giúp việc, nên bu cháu thấy cuộc đời lúc nào cũng phơi phới: sau sinh 1 tuần đã đội nón đi thi hết môn; sau 1 tháng đã đi làm thành viên hội đồng tiến sĩ, đi học đều đặn; sau 3 tháng đã đăng đàn và sau 4 tháng đã đi làm toàn thời gian… Cân bằng công việc và cuộc sống mẹ một con thật là dễ dàng!
Nhưng mà nửa tháng trước tết bà ngoại về quê cả tháng, 1 tuần trước tết bác giúp việc nghỉ lễ 2 tuần, thế là bu cháu chuyển sang làm mẹ toàn thời gian, bà nội trợ toàn thời gian trong 14 ngày từ 23 tháng Chạp tới mùng 8 Tết, cũng nhờ vậy mà được giác ngộ các bác ạ!
Đúng là “xay thóc thì thôi ẵm em”, mà bu cháu ẵm em rồi nên không thể xay thóc lúa gì được hết! Mọi công việc cần kíp ở nơi làm việc phải hoàn thành vào ngày 22 Tết, sau đó là ngắt kết nối hoàn toàn, vì có kết nối thì chỉ làm mình bối rối do không thể giải quyết.
Trong 14 ngày ấy, cả thế giới của bu cháu chỉ còn xoay quanh cháu với một chu kỳ lặp đi lặp lại mỗi ngày:
- 6h sáng: Thức dậy, khởi động, rửa mặt mũi, thay đồ cho cháu rồi cho xuống sân chơi
- 8h sáng: Hết chơi, cho cháu lên nhà ăn sáng, rồi bu cháu ăn, ăn xong rửa bát đũa xoong nồi, cốc chén; trong khi cháu ăn thì gọi zalo giao lưu bốn phương, quay clip đăng lên mạng lưu dấu tuổi thơ
- 9h30 sáng: Chơi với cháu cho tới khi cháu đói và buồn ngủ thì đi pha sữa cho cháu uống và ngủ cùng cháu, vì nếu ngủ dở mà cháu không thấy ai bên cạnh là cháu thức luôn
- Tới khi nào cháu thức thì phải nghĩ xem làm gì, nghĩ mãi mới ra một kế là xách cháu đi chơi. Thế là những ngày ở với mẹ hầu như ngày nào cháu cũng được đi chơi: thăm thân, đi trung tâm thương mại, đi mua đồ, tết thì đi chúc tết…
- Trong khi đi chơi thì bu cháu vẫn mang đầy đủ đồ nghề gồm bỉm, khăn giấy, bình nước nóng, bình sữa, sữa để sẵn sàng tác nghiệp khi cháu đói
- Chiều về tầm 3h tới 4h: Tắm gội cho cháu, rồi lại đưa cháu xuống sân chơi buổi chiều
- 6h tối: Cho cháu ăn sáng, bu cháu ăn tối, rồi lại rửa chén bát, xoong nồi; tắm gội, giặt giũ, phơi đồ
- 7h tối: Chơi với cháu cho tới khi cháu buồn ngủ và đói, đi pha sữa cho cháu uống và ngủ cùng cháu
- 9h tối giở ra: Cháu ngủ say say thì bu dậy đổ rác, dọn nhà và mở máy tính đọc sách hoặc giải quyết một số việc không cần sự tập trung
- 11h tối giở đi: Pha sẵn bình sữa để cháu kêu oe lên là có sữa uống ngay, rồi bu cháu đi ngủ, vừa ngủ vừa canh cho cháu uống sữa
- Khoảng 4h30 – 5h sáng hôm sau: Cháu chào buổi sáng là bu lại đi pha bình sữa đầu ngày mời cháu uống.
- Trong 24 giờ đó, sẽ có một lúc nào đó vào sáng hoặc chiều cháu đi … ị, thì bu cháu sẽ làm công tác quan trọng là vệ sinh sau ị cho cháu.
Một ngày thật là bận rộn, nhưng tính ra thì chỉ có những công việc cơ bản gồm: Ăn, uống, chơi, ị, ngủ được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Sau Tết nhiều người quen bảo dịp Tết thấy cháu cứ được lên sóng mạng xã hội suốt. Bu cháu chợt nhận ra mình đã là một bà mẹ bỉm thực sự những ngày vừa qua, không có công việc gì khác ngoài trông con và … khoe con. Thế mới biết thông cảm cho những bà mẹ nghỉ làm để trông con toàn thời gian, có vẻ chia sẻ về con là cách để các bà mẹ này cân bằng lại cuộc sống trông đơn giản nhưng đầy áp lực.
Trong lúc trông cháu ngủ, bu cháu đã kịp đọc được 4 trong số 10 quyển của cuốn sách kinh điển về chính trị có tên “Cộng hòa” của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato, trong đó có nói một xã hội có “justice” (công bằng, có công lý) là khi mỗi người thực hiện đúng “function” (chức trách, chức năng) của mình và đó là một xã hội tốt, đáng sống. Trong 2 tuần nghỉ Tết, bu cháu đã thực hiện đúng chức năng của mình toàn thời gian và điều đó đã khai mở một phần chưa từng được trải nghiệm trong cuộc đời của bu cháu!
Đúng là chăm con cái là một việc khó nhưng rất vui!