Nghe nói cao nguyên đất đỏ, nên khi bắt đầu chương trình du lịch Tây Nguyên, người viết không dám mang quần áo trắng theo vì sợ đất đỏ bám vào khó giặt, duy chỉ có đôi giày là vẫn màu trắng vì nhà không có giày màu khác. Nhưng suốt hơn một ngày ở Buôn Ma Thuột, đôi giày vẫn trắng tinh vì ở đây toàn … đường nhựa!
Hơi “nghi ngờ” về “truyền thuyết đất đỏ”, hôm sau người viết quyết đi tìm miền đất huyền thoại. Trong một buổi sáng mùa xuân trời xanh, mây trắng, gió nhẹ, sau khi lần mò theo những con đường nhựa trục chính liên tỉnh – huyện, rẽ vào những đường nhựa, đường bên tông liên xã, nối buôn nhỏ hơn, cuối cùng một con đường đất đỏ rải đá xanh cũng hiện ra trước mắt. Đó là Buôn Sút M’Đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk. Dọc hai bên đường là những rẫy cà phê và tiêu xen lẫn những căn nhà sàn khá dài làm bằng gỗ, mái lợp tôn; nhà cấp bốn; nhà máy bằng và cả những nhà gỗ trệt. Có những nhà có hàng rào xung quanh, có những nhà mở thẳng ra đường. Nhà dài đây rồi, và đất đỏ là có thật!

Du lịch Tây Nguyên không thể trọn vẹn nếu chưa gặp con người nơi đây. Nhưng sao không thấy ai mặc áo váy thổ cẩm dân tộc như “ti vi” hay chiếu? Không lẽ người Kinh giờ cũng ở nhà dài! Sẵn óc tò mò cao độ, người viết quyết tìm hiểu duyên do. Xuống xe, ngó nghiêng một lúc thì người viết phát hiện ra nhà bên cạnh xe có một bà cụ. “Liều mình như chẳng có”, người viết bước tới, chào bà bằng tiếng Kinh, và hỏi thăm bà về nhà sàn gỗ dài bên cạnh. Bà có đáp lại, nhưng rõ ràng là không phải tiếng Việt. Hoa chân múa tay một hồi, chỉ về cái nhà bên, bà cụ ra chiều hiểu ý và đi sang đó. Tới nơi, bà gọi với vào trong và một cụ bà khác bước ra trao đổi. Cả hai cụ đều không nói tiếng Kinh. Người viết tiếp tục huơ chân múa tay hỏi về cái nhà, hai cụ lại ra chiều hiểu ý và cùng nhau đi sang nhà khác bên cạnh gọi một cụ ông.
May quá, cụ ông này nói được tiếng Kinh! Hóa ra là hai cụ bà rất tốt bụng đi tìm một người biết tiếng Kinh để tiếp chuyện mình! Bắt đầu câu chuyện người viết mới hay đây là buôn của người Ê Đê, và một trong hai cụ bà là vợ của cụ ông. Họ là người Ê Đê. Họ mời người viết về căn nhà sàn gỗ dài và trao cho người viết đặc ân được ngắm nhìn tận mắt bên trong ngôi nhà và một cuộc nói chuyện với cả gia đình.
Duy chỉ có mái tôn là có vẻ “phi truyền thống”, các phần còn lại của ngôi nhà khá giống trong “truyền thuyết”. Căn nhà dài hơn mười mét, trụ, sàn, tường đều làm bằng gỗ. Để bước lên nhà, khách sẽ phải bước lên cầu thang gỗ, qua một hiên nhỏ rồi mới vào trong. Giáp tường bên trái là một chiếc ghế Kpan dài làm từ cây gỗ nguyên khối. Nghe nói chiếc ghế này được dùng để ngồi kể chuyện và chơi cồng chiêng. Giáp tường bên phải là hai chiếc phản nhỏ có chân cao chừng 50 cm, vừa để ngồi, vừa đựng đồ. Ba món đồ gỗ này đã có từ rất lâu trong gia đình, truyền từ đời trước. Kế đến là nệm ngủ rồi tới rương hòm, tủ lạnh và máy thu hình. Sau bức tường gỗ là tới một phòng khác nhỏ hơn, nơi treo đồ kiêm phòng ngủ. Cuối nhà là khu vực bếp đun củi. Căn nhà khá sạch sẽ và có một khu nhà tắm, nhà vệ sinh xây trệt riêng ở phía sau nhà.

Chủ nhà trải chiếu ra giữa phòng chính và mang nước mời khách. Lúc đó, ngoài ba cụ già còn có thêm cô con gái của hai cụ ở nhà bên cạnh và ba đứa cháu cùng sang chơi. Cụ ông tuy không nói tiếng Kinh lưu loát nhưng rất nhiệt tình trả lời những câu hỏi với sự trợ giúp của cô con gái chừng hơn bốn mươi tuổi. Khi được hỏi có ăn tết không, họ nói không ăn tết. Trước đây họ có nhiều lễ hội vào khoảng tháng 9 tới tháng 11, mỗi lần hội là có mổ trâu, nhưng lâu lắm rồi không còn làm nữa. Họ không ăn sáng, mà chỉ ăn trưa và ăn tối. Khi được hỏi họ sao không mặc thổ cẩm, trong khi cô con gái đang nói chuyện giờ ít người còn làm dệt và thêu thổ cẩm, thì bà mẹ cô lúi húi ra lục rương và mang ra một sấp vải đen có hoa văn. Hóa ra đây là tấm thổ cẩm dùng làm váy, bà cụ đã dệt, thêu và may để lúc nào “sang thế giới bên kia” thì sẽ mặc! Phong tục này thật không khác gì người Kinh!

Quá thích tấm thổ cẩm, người viết hỏi han về cách làm và bắt đầu hỏi xem bà cụ có bán không. Qua sự phiên dịch của cô con gái, bà cụ có vẻ lưỡng lự lắm. Chuyện qua chuyện lại, năn nỉ một hồi, cuối cùng bà chịu bán. Không những thế, cô con gái còn về nhà lấy cái áo thổ cẩm của cô qua bán luôn. Vậy là người viết thỏa tâm nguyện có được một bộ đồ của người Ê Đê, do chính tay phụ nữ Ê Đê làm ra! Ba bà con còn tận tình hướng dẫn cách mặc! Thật là “chăm sóc khách hàng” hết sức chu đáo! Những hiểu biết từ cuộc nói chuyện này là phần ý nghĩa nhất của chuyến du lịch Tây Nguyên này!

Cuộc giao tiếp “xuyên ngôn ngữ” ban đầu và thời gian trò chuyện trong ngôi nhà dài đã cho người viết thấy sự hồn hậu và dễ mến của những người anh em Ê Đê nơi đây. Họ chất phác và hiếu khách với ngay cả một người xa lạ. Một cảm giác ấm áp giữa chút se lạnh trong chuyến du lịch Tây Nguyên!