–        “Duy ơi con học lớp mấy rồi ha?

–        Dạ, lớp 5

–        Nhà con ở đâu? Đi xe đò từ thành phố là về tới luôn hả?

–        Nhà con xa lắm… Đi xe đò, rồi đi tiếp xe khác, rồi đi tàu nữa mới tới nơi. Ở đảo Nam Du. Con đố cô biết đảo Nam Du ở đâu?

–        Ở tỉnh Kiên Giang đúng hông?

–        Đúng rồi nhưng mà ở đâu nữa? Tỉnh Kiên Giang, huyện Kiên Hải. Hai chữ Kiên lận!”

Đây là một đoạn trong câu chuyện giữa người viết và một cậu bé rất nhanh nhẹn, lém lỉnh được Quỹ học bổng Vừ A Dính bảo trợ đang học tập tại thành phố Hồ Chí Minh. Em là một trong số gần hai trăm em con em dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo được Quỹ trao học bổng, toàn bộ chi phí ăn và đưa vào học tập ở bậc phổ thông (từ lớp 6 tới lớp 12, cá biệt có một số em mới chỉ học lớp 5) tại các trường nội trú ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Bình Dương.

IMG_6576

Cùng các em học sinh Quỹ Vừ A Dính trước Nhà tưởng niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre)

Khi các em ở xa gia đình, thiếu sự quan tâm hàng ngày của cha mẹ, người chăm lo chính cho các em là các cô ở Văn phòng đại diện phía Nam của Quỹ. Với chỉ chưa đến chục người nhưng những bà mẹ này đang hàng ngày làm việc không mệt mỏi để chăm lo không chỉ cho hai trăm em mà còn cho cả một số lượng đông đảo hơn rất nhiều các em đang học tập tại địa phương được nhận học bổng từ chương trình. Họ đã làm thế nào để có thể giải quyết thành công lượng công việc đồ sộ như vậy?

Sự chuyên nghiệp: Người viết được gặp mặt các bà mẹ quỹ Vừ A Dính lần đầu tiên khi tới trao phần ủng hộ của Hội sinh viên Việt Nam tại bang Tây Úc ngay tại văn phòng Quỹ ở thành phố Hồ Chí Minh.  Trong khi cô Trương Mỹ Hoa là Chủ tịch Quỹ chuyện trò với người viết, chia sẻ về những hoạt động đã làm, những dự định tương lai và ý tưởng/triết lý đằng sau mỗi hoạt động thì cô Thủy, cô Trang, chị Phước, chị Hân đã hoàn tất đầy đủ các giấy tờ ghi nhận phần ủng hộ, thư cảm ơn, tài liệu giới thiệu Quỹ và sẵn sàng chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc gặp gỡ đó. Tất cả mọi thứ diễn ra thân tình, nhưng nhanh chóng và rất chuyên nghiệp, tạo cho người viết cảm giác tin tưởng rằng sự ủng hộ của Hội sinh viên sẽ tới đúng người nhận trong khuôn khổ Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” của Quỹ.

IMG_6433

Chuẩn bị lên đường Về Nguồn – Quê hương Đồng Khởi

Lòng tận tâm: Không chỉ cung cấp học phí, học bổng cho các em, các bà mẹ quỹ Vừ A Dính còn tự xác định trách nhiệm của mình là phải theo sát bước đi của các em từ khi các em rời khỏi gia đình cho tới khi các em tốt nghiệp phổ thông, thậm chí là sau đó nữa. Cô Hoa nói: “Các cô có hợp đồng rất rõ ràng với các gia đình. Những em được đưa vào đây học là những em mà nếu không được đưa đi thì tương lai học hành tại địa phương của các em rất mờ mịt, thậm chí là lỡ dở. Mình hợp đồng rõ ràng để gia đình họ yên tâm, chứ không phải là nay mình thích thì mình tài trợ, mai mình thôi.” Các cô liên hệ rất chặt chẽ với các trường nội trú mà các em theo học để nắm bắt rõ các em có ăn được không, học hành tiến bộ ra sao, sức khỏe có tốt không… Câu chuyện có thực nhưng rất thú vị là nhiều em như A Điệp, A Định khi mới từ cao nguyên xuống học không ăn được canh nấu, các em chỉ ăn rau luộc chấm với muối đâm (dầm) ớt xanh. Rồi nhiều em không thích ăn cá, chỉ thích ăn thịt và trứng. Các bà mẹ của Quỹ sẽ góp ý với các trường thay đổi thực đơn để các em ăn thích nghi dần và ăn uống ngon miệng. Ngay cả khi một em nữ có chấy trên đầu, nhà trường cũng báo các cô Quỹ xuống để hướng dẫn các em cách vệ sinh thân thể.

IMG_6424

Các em A Điệp, A Định và “Cậu bé Nam Du”

Trái tim nhiệt huyết: Chính sự nhiệt huyết vì trẻ thơ và tinh thần làm việc không biết mệt mỏi của các bà mẹ Quỹ Vừ A Dính đã lan tỏa và thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tìm đến ủng hộ. Điều này thể hiện đặc biệt nổi bật ở cô Hoa – người đứng đầu Quỹ. Khi chứng kiến cô tổng kết hoạt động của Quỹ trong một chương trình đưa các em về Nguồn ở quê hương Đồng Khởi – Bến Tre vào tháng Tư vừa rồi, người viết khó có thể hình dung người phụ nữ này đã bước vào độ tuổi bảy mươi. Cô nhớ chi tiết tên tuổi, quê quán, trường các em đang học; nhớ các em đã tốt nghiệp phổ thông giờ đang học ở đâu; cô hăng say khi nói về những chuyến đi liên tục cả trong và ngoài nước để gây quỹ, để tặng quà và thăm hỏi các em học sinh và chiến sỹ biên giới hải đảo; và càng hứng khởi hơn nữa khi nói về những hoạt động trong tương lai với mong muốn càng ngày Quỹ càng trợ giúp được cho nhiều trẻ em vùng phên dậu của Tổ Quốc hơn.

IMG_6582

Người viết nói chuyện cùng em Hiền – “Cô bé Trường Sa”

Trên hành trình về Nguồn, người viết còn được nói chuyện với em Hậu – quê ở Đăk Nông, hiện đang học lớp 12 và hai em Hiền – Huyền là những trẻ em đầu tiên đến sống ở Trường Sa, nay hai em đang học lớp 9. Hậu nói “con muốn học nghề gì đó để sau này về huyện quê con làm việc. Có thể là con sẽ thi vào trường Hành chính”. Hiền muốn học kinh tế để làm làm kinh tế biển ở Khánh Hòa và nhất là Trường Sa (cô bé rất muốn trở thành quân nhân nhưng em nói “mắt con kém quá, không đủ tiêu chuẩn”), còn Huyền định hướng trở thành người hướng dẫn du lịch để mang thật nhiều du khách đến Trường Sa.

Trong dáng vóc của những cô gái, chàng trai thành thị đích thực, các em vẫn đang hướng tương lai của mình về quê hương biên giới xa xôi. Đây chính là thành công của các bà mẹ quỹ Vừ A Dính!

IMG_6706

Chương trình Về nguồn cho các em học sinh Quỹ Vừ A Dính – tháng 4/2016

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN