“Ôi Raglai những rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn chapi.. Ai yêu tự do yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn chapi.”
Trích bài hát “Giấc mơ Chapi” của nhạc sỹ Trần Tiến
Bài hát “Giấc mơ Chapi” nổi tiếng nhất qua giọng hát của cố ca sỹ Y Moan Enuol – một người con dân tộc Ê-đê, tả cảnh núi rung, đã khiến rất nhiều người tưởng rằng đây là một bài hát về Tây Nguyên, và Tây Nguyên là vùng núi. Mặc dù học sinh Việt Nam đều được học địa lý về Tây Nguyên ở bậc phổ thông, nhưng sự thực là đang có rất nhiều sự lầm lẫn rất thịnh hành về mảnh đất cao nguyên này. Chuyến du lịch Tây Nguyên đầu năm đã giúp người viết sáng thêm nhiều điều trong số đó.

- Bài hát “Giấc mơ Chapi” là viết về Tây Nguyên
Bài hát viết về người Raglai (hay còn gọi là Rắc Lây). Đây là một tộc người có quan hệ và lối sống rất gần gũi với người Chăm. Người Raglai có địa bàn sinh sống chủ yếu là Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa – ba tỉnh Nam Trung bộ, thuộc vùng chuyển tiếp lên cao nguyên nên có nhiều núi, nhưng không thuộc về Tây Nguyên. Chapi là loại đàn đặc trưng riêng của người Raglai. Và một số người Chăm ở Ninh Thuận cho biết bài hát này sáng tác về người Raglai ở huyện Bác Ái của tỉnh.

- Tây Nguyên chỉ toàn là núi
Thực tế Tây Nguyên là một tập hơn các cao nguyên có độ cao trung bình từ 500m tới 1.500 mét. Đó là chín cao nguyên:
- Cao nguyên Kon Tum: Cao trung bình 500m trên mực nước biển
- Cao nguyên Măng Đen (Kon Plông): Cao trung bình 1.200m
- Cao nguyên Kon Hà Nừng: Cao trung bình 800m
- Cao nguyên Plâyku: Cao trung bình 800m
- Cao nguyên M’Drăk: Cao trung bình 400-500m
- Cao nguyên Đắk Lắk: Phía bắc cao gần 800m dốc dần xuống phía Nam còn 400m và phía Tây còn 300m.
- Cao nguyên Mơ Nông: Cao trung bình 800m
- Cao nguyên Lâm Viên: Cao trung bình 1.500m
- Cao nguyên Di Linh: Cao trung bình 1.000m
(Nguồn: Wikipedia)
Hãy tưởng tượng hệ thống 9 cao nguyên như một cánh đồng ruộng bậc thang ở miền núi phía Bắc, cứ mỗi bậc thang là một cao nguyên, và mỗi lần đi qua một con đèo là một lần “giật cấp” lên cao nguyên cao hơn. Ví dụ khách đi du lịch Tây Nguyên qua đèo Bảo Lộc là bước từ Đạ Huoai lên Cao nguyên Di Linh. Sau đó, qua đèo Prenn là chuyển tiếp từ cao nguyên Di Linh lên cao nguyên Lâm Viên.

Đúng là Tây Nguyên có núi, núi bao quanh mỗi cao nguyên, nhưng bên trong mỗi cao nguyên lại là những miền đất tương đối bằng phẳng với những “đồn điền” cà phê, cao su, hồ tiêu, rộng lớn, thậm chí có nhiều vùng đồng ruộng lúa nước mênh mông ven hồ Lăk hay ở huyện Ea Sup (là một bình nguyên giữa Tây Nguyên với độ cao chỉ 160-200m). Thi thoảng giữa miền bằng phẳng ấy nổi lên một số ngọn núi nhỏ. Trước đây có lần nhìn thấy gạo đặc sản Ea Sup trên truyền hình, người viết rất ngạc nhiên vì cứ tưởng Tây Nguyên thì sao trồng lúa được. Nhưng lên Tây Nguyên rồi mới biết trước giờ mình “học dốt quá dốt”.

- Tây Nguyên thì chỉ có nắng và rất nóng
Nhìn nước da của bà con các dân tộc Tây Nguyên tối màu thế kia, nhìn trên truyền hình thấy cái nắng chang chang thế kia thì chắc là nóng lắm. Lại xem thời tiết thấy nhiệt độ tới ba mấy độ thì chắc là nóng rồi. Mặc dù nhìn có vẻ nắng và nóng như vậy, nhưng thực tế, do địa hình cao nên khí hậu ở Tây Nguyên lại mát mẻ, nhất là về đêm. Ban ngày, chỉ cần bạn không đứng trực tiếp dưới nắng, mà chui vào bóng râm, thậm chí là những căn nhà mái tôn, thì vẫn mát mẻ như có điều hòa vậy. Nắng nhưng độ ẩm không cao, lại nhiều gió, nên con người sẽ không có cảm giác khó chịu như cái nóng ẩm ở Sài Gòn hay Hà Nội. Kiểu “nóng mát” này tương tự như khí hậu ở Úc.

- Tây Nguyên thì khô hạn
Vào mùa khô có thể xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước. Nhưng về cơ bản, Tây Nguyên có mạng lưới dòng chảy (sông, suối) dày đặc, thể hiện rõ nét qua tên hàng loạt địa danh trong vùng. “Krông” trong Krong Nô, Krong Ana, Krong Pak… có nghĩa là “sông”; và “Ea” trong Ea Súp, Ea H’Leo, Ea Kar… có nghĩa là “nước”. Điều này phản ánh bản năng sinh tồn và tập quán của loài người là sinh sống bên cạnh các dòng nước.

Còn một số “hiểu lầm” khác về miền đất thú vị này, người viết sẽ giới thiệu trong các bài viết tiếp theo, với hy vọng giúp ích cho các bạn đi du lịch Tây Nguyên.