LẠC TỚI THUNG NHAM

0
1777
LẠC TỚI THUNG NHAM
LẠC TỚI THUNG NHAM
Một sáng mùa thu trời trong gió nhẹ, không khí mát lành, ba chị em bỗng dưng quyết làm một chuyến “lãng đãng”, cứ lên xe và và lái tới đâu mà con tim chỉ lối!
Từ chân cầu Nhật Tân xe chạy tới đường trên cao, rồi ì ạch đi tới cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Các bác tài nhà mình lái xe ẩu thật, đít các bác chỉ cách đầu xe sau mấy tấc là các bác đã tạt ngang rẽ ngửa mà chẳng chịu “xi nhan” gì sất. Sống ở thành phố thật là khổ! Quá chật chội và bon chen! May là tài đây đã có kinh nghiệm rồi nên không còn giật mình như hồi xa xưa nữa. Đang phàn nàn về cái sự vất vả này thì “Wow!”, đúng là một cảm giác thật “Yo!” khi xe chạy tới đoạn cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, khúc qua tỉnh Hà Nam. Đường mới, nhựa còn đen bóng, nét kẻ sơn trắng thẳng thớm gọn gàng, lượng xe vừa phải đi đứng trật tự, và đặc biệt là hai hàng cây keo được trồng dày đặc nhưng rất ngăn nắp hai bên đường cao chừng bốn mét, lá cây xanh mướt lại điểm chút hoa vàng. Lá và hoa căng bóng, mướt mắt trong ánh nắng vàng nhẹ buổi sớm tạo nên bức “tường thành” vững chắc nhưng dịu dàng “bảo vệ” các lái xe. Thật không khác gì những con đường lớn “Turnpike” ở vùng đông bắc Hoa Kỳ mà người viết đã từng lái xe qua, và đẹp hơn hẳn tất cả những cao tốc khác ở Việt nam mà người viết từng đặt bánh xe tới (Hà Nội – Hải Phòng, Láng – Hòa Lạc, Tp Hồ Chí Minh – Trung Lương, Long Thành – Dầu Dây).

Cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình – Ảnh: Thúy Thu

Sự hụt hẫng quay trở lại khi xe thoát khỏi cao tốc. Một cảm giác bề bộn khi nhìn thấy những khu đất lớn có lẽ được quy hoạch làm khu công nghiệp nhưng bị bỏ trong cảnh hoang vu, những con đường thi công dở dang, những ngã tư chưa hoàn thiện làm tài xế phải căng thẳng khi băng qua, những “lâu đài” đồ sộ nhưng không thấy có khuôn viên vườn tược ngay mặt quốc lộ bên cạnh những những nhà dân nhỏ bé lô nhô.
Không lâu sau, vô lăng quay rẽ phải vào con đường vắng vẻ hơn, đến đoạn có cột lộ giới thấy ghi “DT491” – tức là đường tỉnh – tỉnh lộ 491. Đây nhất định là Ninh Bình rồi, vì hai bên đường như chốn tiên cảnh với núi đá nhấp nhô xanh thẳm nổi lên giữa mặt nước gương soi. Phán đoán được xác nhận khi xe đi qua một khu lối vào có cầu đá rất đẹp đề chữ “Tràng An”. Nhưng chốn này đã tới nên sẽ không ghé nữa. Xe tiếp qua khu “Phố Tây” tấp nập ở bến Tam Cốc – chỗ này đi từ hồi cấp 1 rồi nên không còn hứng thú. Cứ thế, xe đi thêm chừng vài cây số thì thấy bên đường có ghi “Vườn chim Thung Nham” – cái tên nghe có vẻ là lạ, vậy ta thử ghé đó xem sao!

Lau trắng Thung Nham

Rẽ phải, đi theo con đường thảm bê tông ngoằn ngòe được đắp nổi lên giữa vùng đất ngập nước, hai bên là núi, đầm đầy hoa Chang Chang (hồi bé ở quê hay gọi như vậy) trắng nhỏ li ti, những tàn sen còn sót lại sau hè và những thân súng đang ấp ủ mầm sống cho mùa sau. Mọi ồn ào đã lùi hết lại phía sau, chỉ còn sự tĩnh lặng của trời đất lắng vào lòng núi. Băng qua một khúc cua hẹp mà hình như trước đây từng là núi được khai phá mở lối đi, Vườn Chim Thung Nham đã ở ngay trước mắt.

Ảnh: ThungNham

Đúng như tên gọi, Thung Nham là một vùng đất được bao bọc 360 độ xung quanh bởi núi đá vôi. Đứng giữa Thung Nham nhìn bốn bề núi dựng cho người ta cảm giác được “thoát ly” hoàn toàn với những lo toan của cuộc sống thường ngày. Với diện tích hiện hữu 30 héc ta, Thung Nham là sự kết hợp giữa nghỉ ngơi – khám phá và “tu tập” – thích hợp cho nhiều đối tượng với nhu cầu đa dạng. Động Vái Giời, Hang Ba Cô là nơi du khách có thể vừa đi bộ vừa khám phá thiên nhiên; Hang Bụt, Động Tiên Cá, Động Thủy Cung là lựa chọn cho những ai vừa thích lênh đênh sông nước vừa ngắm nhìn những tạo tác của thời gian. Đảo Dê, vườn cây ăn quả, khu đền thờ, vườn Đá và cây đa di chuyển, cây duối nghìn năm, đảo hoa tam giác mạch đang trực chờ mùa Đông tới để khoe sắc.

Vườn chim – Ảnh: ThungNham

Điểm đặc biệt nhất của Thung Nham chính là vườn chim bên vách núi ở cuối hồ nước lớn. Ở đây có tới hơn 40 loài chim, quần thể hơn 50.000 nghìn con, gồm cò, vạc, diệp, le le, mòng két, chích chòe lửa, cho tới sáo đá… và cả hai loai quý hiếm Hằng Hạc và Phượng Hoàng. Chiều chưa tới mà đã thấy rất nhiều khách Tây quần đùi áo may ô đạp xe từ khu Tam Cốc về Thung Nham. Họ chuẩn bị cho buổi ngắm vườn chim, khi hàng ngàn con chim sẽ bay về phủ trắng vườn vào lúc hoàng hôn. Những anh, những chị lái đò chính là những hướng dẫn viên kiểm nhà điểu học, họ có thể nói cho du khách biết về bất kỳ con chim nào khách thấy trong vườn.
Tất cả tạo nên một không gian hư hư thực thực giữa chốn nhân gian.

Chiếc máy ủi “Công thần” của Thung Nham

Nếu như Vân Long, Tràng An, Tam Cốc nổi danh là những khu di sản thiên nhiên, thì điều đặc biệt của Thung Nham là “chốn tiên cảnh này” do bàn tay con người tạo nên. Hơn 20 năm trước, nơi đây chỉ là một vùng đầm ngập nước nhẹ hoang vu giữa lòng núi. Nhưng có một người đã âm thầm lặng lẽ tháo từng bộ phận của máy cày, máy xúc, chở thuyền, vác qua núi mang vào thung, lắp ráp lại thành cái máy nguyên thủy để đào, để cày, để xới, để trồng lúa, để khơi thành hồ, đắp lên thành vườn, thành đồi. Cứ như thế, hàng chục năm trôi qua, anh đã biến chốn “thâm sơn cùng cốc” trở thành một nơi nghỉ dưỡng tiện nghi. Chiếc máy ngày nào nay đã được đặt lên bệ cao ở cuối Thung Nham, và được tôn vinh như một “công thần” của mảnh đất này.
Đến Thung Nham để trốn khỏi ồn ào phố thị, và để thấy sức mạnh dời non lấp bể của một con người dù là bình thường nhất!
Toàn cảnh Thung Nham tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tư Ninh Bình – Ảnh: ThungNham

 

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN