“MÁU ĐÀN ÔNG” VÀ CHUYỆN KHÔNG TƯỞNG NHƯNG CÓ THỰC Ở ÚC

0
3108
Nước Úc nổi tiếng là một quốc gia khô hạn với phần lớn trong tổng diện tích hơn bảy triệu cây số vuông là những vùng sa mạc mênh mông hay các khu vực rộng lớn thiếu nước quanh năm. Riêng bang Tây Úc (Western Australia) rộng 2,5 triệu km2 đã có năm vùng sa mạc (Great Victoria Desert, Great Sandy Desert, Tanami Desert, Gibson Desert và Little Sandy Desert).
Khi các nước bắc bán cầu đang co ro trong cái rét mùa Giáng Sinh thì thi thoảng họ vẫn thấy trên truyền hình tin tức về những vụ cháy rừng khủng khiếp ở xứ Kangaroo đang giữa mùa hè nóng bỏng không hiếm khi lên tới trên 40 độ C. Có khi cháy rừng lớn tới mức xóa xổ hoàn toàn một thị trấn cùng nhiều trang trại nuôi trồng nông nghiệp xung quanh (như thị trấn Yarloop ở phía nam Perth bị cháy rừng tàn phá vào tháng 1 năm 2016).
Trong gần bốn năm ở Úc, người viết đã rất tò mò về công việc phòng cháy chữa cháy ở đây. Cơ hội tìm hiểu đã tới khi người viết được dịp thăm Trung tâm cứu hỏa và ứng phó tình trạng khẩn cấp vùng City of Swans, một trong các quận của thành phố Perth. Và điều kinh ngạc đã xảy ra!
Quận này có diện tích chừng 1,000 km2 nhưng chỉ có duy nhất một người làm việc toàn thời gian có hưởng lương phụ trách điều phối hoạt động cứu hỏa, cứu hộ cho toàn vùng. Anh này tên Rik, là nhân sự thuộc Sở cứu hỏa và ứng phó khẩn cấp của Bang.
IMG_8515
Rik bên cạnh màn hình tổng hợp tình trạng khẩn cấp toàn bang trên xe chỉ huy tại hiện trường
Người viết hỏi Rik: “Vậy có bao nhiêu lính cứu hỏa thường trực hưởng lương toàn thời gian thuộc trung tâm này?”
Rik nói: “Tổng cộng trung tâm này có 300 lính cứu hỏa, nhưng họ hoàn toàn là TÌNH NGUYỆN VIÊN, không hưởng một đồng lương hay thù lao nào cả. Chỉ có tôi là hưởng lương và làm toàn thời gian thôi. Những người lính cứu hỏa hàng ngày vẫn làm công việc của họ, khi có báo động họ sẽ trở thành lính cứu hỏa”.
Người viết hỏi tiếp trong một trạng thái ngạc nhiên tột độ: “Làm thế nào mà các anh có thể phòng cháy chữa cháy với toàn các tình nguyện viên? Tôi thấy nhiều nước phải duy trì một lực lượng thường trực hưởng lương rất lớn.”
Rik tiếp lời: “Đúng thế. Ngay như ở Mỹ, việc cứu hỏa cũng dựa vào tình nguyện viên, nhưng họ sẽ được trả thù lao cho mỗi lần tác nghiệp. Nhưng riêng ở Úc, lính cứu hỏa toàn toàn là tình nguyện, không nhận bất kỳ khoản thù lao nào.”
Người viết: “Ý tôi là, tại sao những người đó họ lại sẵn sàng làm tình nguyện như vậy?”
Rik: “Khi bạn sống trong một cộng đồng, thì bạn phải có trách nhiệm giữ gìn sự an toàn cho cộng đồng của mình. Hơn nữa, mỗi người chúng tôi ở đây thường thường đều muốn làm một cái gì đó cống hiến cho xã hội.”
IMG_8522
Một anh lính cứu hỏa đang cuộn ống nước sau khi tác nghiệp trình diễn. Anh là tình nguyện viên hoàn toàn không hưởng thù lao.
Người viết mang câu hỏi này hỏi tiếp một anh nhân viên của quận thì anh bảo: “À, bạn biết đấy, chúng tôi có “máu đàn ông” (nguyên văn “adrenaline”) trong người mà! Khi tình huống nguy hiểm xảy ra, máu đàn ông làm chúng tôi muốn hành động để bảo vệ người khác mà không cần thù lao!”
Đến đây thì người viết đã hiểu vì sao người Úc làm được việc “ngụ ‘lính cứu hỏa’ ư dân” (để lính cứu hỏa trong dân) (mượn lời từ chính sách “ngụ binh ư nông” – thời bình trai tráng cày cấy, thời chiến thì lại trở thành binh lính – từng được thực thi ở Việt Nam trong nhiều triều đại phong kiến).
Xin nói thêm, những người lính cứu hỏa tình nguyện này được huấn luyện kỹ càng về kỹ năng cứu hỏa, sử dụng xe máy, các trang thiết bị và được trang bị phương tiện liên lạc chuyên dụng để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.
Sở cứu hỏa bang Tây Úc chỉ có 800 nhân viên hưởng lương, và họ chủ yếu là lực lượng kỹ thuật cao làm công việc theo dõi diễn biến nguy cơ cháy trên toàn bang thông qua hệ thống giám sát và vệ tinh, và lực lượng chỉ huy. Lính cứu hỏa hoàn toàn là tình nguyện viên. Phần ngân sách quan trọng của họ được dành cho trang thiết bị. Ví dụ như chiếc xe làm trung tâm chỉ huy cứu hỏa tại hiện trường như trong ảnh bìa có giá tới hơn một triệu đô la có khả năng hoạt động và thông tin liên lạc trong mọi điều kiện (không phụ thuộc vào sóng điện thoại), có màn hình cập nhật diễn biến tình trạng khẩn cấp tại mọi địa điểm trên toàn bang để dễ dàng phối hợp…
IMG_8519
Một anh lính cứu hỏa khác đứng giữa xe chỉ huy và xe thiết bị
Cái “máu đàn ông” và tinh thần vì cộng đồng – cống hiến cho xã hội của những anh lính cứu hỏa xứ này đã làm nên một điều “không tưởng” ở nhiều phần khác của thế giới!

ĐỂ LẠI LỜI NHẮN